Cider: “Fashion dream” của thời trang nhanh hay…?

Ngày đăng: 19/09/23

Tẩy xanh hay các vấn đề liên quan đến bền vững được sử dụng như một công cụ tiếp thị đã là câu chuyện “on-going” gần như xảy ra với tất cả những thương hiệu fast-fashion hiện tại. Là nhân vật chính của những lời khen ngợi từ các đầu báo nổi tiếng như TeenVOGUE, WWD, Cosmopolitanme,… và hàng loạt những reviews, đánh giá tốt từ khách hàng được đăng hẳn trên website, liệu Cider có phải là một giấc mơ thời trang của giới trẻ gen Z hay sau cùng cũng chỉ là một vết xe nữa?

Thành lập và cảm hứng thiết kế

Chính thức ra mắt vào năm 2020 tại Los Angeles với mục đích ban đầu là xây dựng một thương hiệu thời trang tôn vinh sự vui vẻ trong cuộc sống hàng ngày. Giống như loại đồ uống mà thương hiệu này mang tên, Cider “sủi bọt, ngọt ngào và có độ ngậy vừa phải”, hoàn hảo cho các buổi tụ tập vui vẻ, thưởng thức rượu táo cùng bạn thân tại quán bar khu phố hoặc chỉ là lười biếng thả lỏng tại nhà. Nghe có vẻ “êm đềm” và ít tham vọng!

“Gốc gác” trong thiết kế của Cider không chỉ bắt nguồn từ một thành phố duy nhất mà được truyền cảm hứng từ phong cách đường phố đa dạng và sôi động như New York, Los Angeles, Paris, Thượng Hải và Seoul, nơi Giám đốc Sáng tạo của thương hiệu đã sống và du lịch. Bằng việc tái hiện lại các phong cách theo hướng mới mẻ và mang tính toàn cầu, đem đến sự kết hợp độc đáo không biên giới đến nay Cider đã ghi dấu ấn tại hơn 130 quốc gia. 

Thương hiệu thời trang “theo mood và style” của bạn

Với châm ngôn “tâm trạng của bạn là nàng thơ của chúng tôi”, Cider đem đến hình ảnh về một thương hiệu chân ái mà ở đó dù bạn đang có tâm trạng như thế nào, mood nào đang “on” cũng đều có thể tìm được cho mình trang phục phù hợp, tất nhiên, cùng một người có thể lựa chọn nhiều phong cách khác nhau dựa trên tâm trạng cụ thể của bạn vào bất kỳ ngày nào. Hơn nữa, bất kể các cô nàng yêu thích phong cách hay muốn nắm bắt được những xu hướng thời trang nào đang phổ biến, từ Mermaid Core, Y2K, Preppy, Gothic hay Fairy Grunge,… Cider đều có. Một “tủ đồ di động” như thế trông khá lý tưởng và là nhanh chóng giúp thương hiệu nhận được sự quan tâm, ưu ái của khách hàng, đặc biệt là gen Z.

Liệu rằng có bền vững?

“Cider đã nhanh chóng khẳng định mình là một trong những thương hiệu thời trang được yêu thích nhất trên TikTok, cung cấp những món đồ dễ thương và hợp thời trang.” TeenVOGUE

“[một trong] những thương hiệu mới nổi chuẩn bị đột phá… được tạo ra dành cho gen Z” – WWD

Khá nhiều lời công nhận cũng như khen ngợi đến từ các mặt báo đáng tin cậy dành cho Cider, thế nhưng dù liên tục “make news” thì Cider, cũng như bao thương hiệu trong thị trường thời trang nhanh khác, không thể tránh khỏi những tranh cãi, lùm xùm xoay quanh vấn đề đạo đức và bảo vệ môi trường. Điều đáng nói đây đều là những tiêu chí mà Cider luôn muốn khẳng định và thể hiện thái độ cũng như các động thái ủng hộ ngay từ những ngày đầu thành lập. 

Theo trang Greenmatters, các bê bối mà thương hiệu này vướng phải bao gồm: trả lương cho người lao động quá thấp, cắt giảm chi phí bằng việc bỏ qua tác động môi trường, sao chép thiết kế cũng như chiếm đoạt văn hóa. 

Cụ thể, Cider tuyên bố rằng họ có một “chuỗi cung ứng có trách nhiệm”, thực hiện “kiểm toán nhà máy thường xuyên và các chuyến tham quan hàng tháng từ phía chúng tôi”, rằng các nhà máy của họ được đăng ký với nhiều tiêu chuẩn kinh doanh khác nhau và Cider hợp tác “với một số nhà máy có đạo đức.” “Bằng cách tìm nguồn cung ứng có đạo đức, chúng tôi có thể cung cấp cho khách hàng những sản phẩm được sản xuất trong một môi trường an toàn và công bằng.” – Trang web của Cider nêu rõ.

Tuy nhiên, tất cả những tuyên bố trên chỉ được chứng minh thông qua vài câu về ba nhà cung cấp ở nước ngoài của Cider – thông tin này gần như không đủ và không minh bạch. Tất cả các nhà máy của thương hiệu đều được đặt tại Trung Quốc, thường là nơi những công nhân nhà máy bị trả lương thấp và phải làm việc quá sức.

Xem xét việc Cider sản xuất quần áo một cách thường xuyên với giá bán khá thấp, về cơ bản, thương hiệu này không thể tự sản xuất quần áo bằng bất kỳ phương tiện nào khác ngoài thuê lao động giá rẻ.

Quay trở lại với câu chuyện bền vững, tiếp tục có sự thiếu minh bạch trong các tuyên ngôn về bền vững từ Cider. Mặc dù Cider có Bộ sưu tập Vải Tái chế , sử dụng “vật liệu tái chế được chứng nhận bởi Tiêu chuẩn Tái chế Toàn cầu”, nhưng dòng này chỉ chiếm một phần nhỏ trong số các sản phẩm của Cider, chỉ với vài trăm mặt hàng. Chưa kể, đối với nhiều món đồ trong bộ sưu tập này, vật liệu tái chế (điển hình là polyester) thậm chí không chiếm 100% thành phần của món đồ. Hầu hết các loại vải được sử dụng là vải tổng hợp (dựa trên nhựa), chẳng hạn như polyester, polyamide, elastane và spandex, cũng như bông thông thường. Mặc dù vẫn có một số nỗ lực trong việc duy trì tính bền vững như sử dụng túi nhựa tự hủy sinh học để gói hàng hoặc xử lý nước thải bằng “công nghệ màng” nhưng điều đó là không đủ mà còn đẩy thương hiệu vào tình trạng “Tẩy xanh”.

Không những thế, bê bối sao chép ý tưởng Cider cũng đã được ghi nhận.

Mẫu váy 13 Going on 30 bản gốc của Versace
Cider nhái lại với mức giá chỉ 18 đô la

Tóm lại, Cider là một hiện tượng đáng chú ý trong thế giới thời trang năm 2020. Thương hiệu này đã đem lại sự tạo mới và sáng tạo trong thiết kế, thu hút sự chú ý của nhiều người mua sắm và người nổi tiếng. Tuy nhiên với những bê bối bị lên án thì có lẽ hành trình trở thành một thương hiệu dành cho gen Z toàn cầu phải được đánh giá lại dựa trên những quy chuẩn về đạo đức và môi trường.

Thực hiện: Gia Uyên

Theo Greenmatters, Cosmopolitanme