Một hồi tưởng mới về huyền thoại Coco Chanel: Làm thế nào những bộ vest trở nên kinh điển?

Ngày đăng: 20/09/23

Bảo tàng V&A ở London, nơi đã tổ chức thành công các triển lãm thời trang bom tấn trong thập kỷ qua: Tiêu biểu phải kể đến là “Alexander McQueen: Savage Beauty”, show diễn phá vỡ kỷ lục số lượng người tham dự, khiến bảo tàng phải mở cửa qua đêm để đáp ứng nhu cầu đông đảo. Cùng với “Christian Dior: Nhà thiết kế của những giấc mơ”, triển lãm đặc biệt với tất thảy các thước vải tuyn, vải taffeta thượng hạng và đường may tinh tế, trở thành buổi trình diễn có lượng người tham dự đông nhất mọi thời đại của bảo tàng.

Và triển lãm ”Gabrielle Chanel: Tuyên ngôn thời trang” (Gabrielle Chanel: Fashion Manifesto) khai mạc vào Thứ Bảy, ngày 16 tháng 9, dù chưa hoàn toàn đạt đến đỉnh cao rực rỡ như hai cuộc triển lãm phía trên, nhưng đã thể hiện sự tôn vinh đối với khối lượng công việc đồ sộ, sản phẩm tinh tế và vốn văn hóa sâu sắc của bà. Đây sẽ tiếp tục là một buổi trình diễn không thể bỏ qua đối với người hâm mộ. Với số lượng vé đã bán hết trong phần lớn thời gian còn lại của năm và hiện chỉ mở bán từ giữa tháng 12, hứa hẹn sẽ là một cú đột phá về doanh thu.

Ngôi sao không thể tranh cãi của buổi trình diễn, tất nhiên, là hơn 50 bộ quần áo bằng vải tuýt – loại vải đặc trưng của nhà mốt Chanel nói chung và nhà thiết kế huyền thoại nói riêng. Trong căn phòng dành riêng cho “bộ vest”—tầm nhìn của Chanel về tính nữ thời hậu chiến, những bộ trang phục được trưng bày nổi bật từ thấp lên cao, từ sàn đến trần, bao quanh người xem bằng những tấm vải tuýt tông màu hồng, đỏ và be. Thậm chí trong số đó, còn có chiếc áo màu hồng bong bóng được nữ diễn viên nổi tiếng Lauren Bacall diện.

Bất chấp trải qua những thăng trầm cùng thời cuộc, sự thật là rất ít trong số những thiết kế bị “outdate”. Chẳng hạn như thiết kế Chanel bằng vải tuýt màu vàng được nữ diễn viên Margot Robbie diện để quảng cáo cho Barbie vào mùa hè. Cũng tại buổi giới thiệu với báo chí của Bảo tàng V&A, dù là những người phụ nữ mặc bộ đồ vải tuýt, đeo ngọc trai và túi xách Chanel — hay những bộ đồ nhái “rất đẹp” — đều tạo dáng chụp ảnh trước các bức tường phủ kín những thiết kế vest kinh điển.

Triển lãm có quy mô rộng, được đặt bên trong không gian trưng bày lớn nhất của bảo tàng V&A. Nó chứa hơn 200 kiểu dáng và phụ kiện từ đồ trang sức đến những chiếc túi xách đắt tiền của Chanel.

Chương trình bắt đầu diễn ra tại Palais Galliera ở Paris vào năm 2020, nhưng 100 tác phẩm đã được bổ sung cho triển lãm tại bảo tàng V&A, bao gồm một phần về mối liên hệ của Gabrielle (Coco Chanel) với Vương quốc Anh, khi nhà thiết kế vốn là một “Anglophile” nổi tiếng. 

Do vậy, được trưng bày trong triển lãm là bức tranh vẽ bà của Winston Churchill cũng như mối quan hệ tình cảm với Công tước Westminster – Hugh Grosvenor những năm 1920. Thời gian làm việc với các quý tộc Anh — với tình yêu thể thao ngoài trời của họ — đã truyền cảm hứng cho những thiết kế nổi tiếng nhất của nhà thiết kế huyền thoại.

Chương trình đã làm nổi bật được tất cả các cột mốc quan trọng trong cuộc đời của Coco Chanel: Sinh năm 1883 trong hoàn cảnh nghèo khó ở vùng nông thôn nước Pháp, Chanel được gửi đến trại trẻ mồ côi Công giáo năm 11 tuổi khi mẹ bà qua đời. Ở đó, bà học cách may vá và sau đó tìm được công việc thợ may. Arthur Capel, một quý tộc người Anh, đã tài trợ cho một số cửa hàng đầu tiên của Chanel, trong đó có một cửa hàng ở thị trấn Deauville ven biển của Pháp, nơi bà tạo ra quần áo từ các loại vải như áo jersey – thứ trước đây được sử dụng trong trang phục nam giới. Một trong những sáng tạo này là sự biến tấu đặc biệt của bà trên chiếc marinière, chiếc áo sọc xanh trắng được các thủy thủ Pháp mặc, từ đó khiến trang phục hải quân thành món đồ chủ yếu trong tủ quần áo của phụ nữ.

Món đồ đầu tiên được thấy trong buổi triển lãm có từ thời kỳ đó là một chiếc áo sơ mi lụa Jersey màu ngà từ năm 1916, cùng với chiếc mũ rơm màu đen. Ngay từ đầu, nó đã là một Chanel cổ điển, sang trọng, đơn giản và đặc biệt, được thiết kế cực kì tốt. Vì thế, nó cho thấy lý do tại sao những sáng tạo ban đầu của bà lại thành công rực rỡ đến vậy. Đến năm 1921, khi đang điều hành một hãng may thời trang ở Paris, bà đã mang phong cách, cá tính riêng độc bản của mình với những gam màu đơn sắc và kiểu dáng tối giản vào những bộ trang phục của Pháp, từ đó ảnh hưởng sâu rộng đến thời trang thế giới bấy giờ. 

Thiết kế áo sơ mi lụa Jersey màu ngà từ năm 1916

“Chiếc váy đen nhỏ – Little Black Dress”, dưới sự thổi hồn và nâng đỡ của Coco Chanel, đã trở nên nổi tiếng vào những năm 1920. Cũng theo triển lãm, nhà thiết kế tài hoa đã biến đổi màu đen, vốn trước đây được coi là trang phục tang tóc trong xã hội, trở nên sang trọng và quý phái. Đến mức những chiếc váy đen của bà trở nên phổ biến với mệnh danh: “Ford” của thời trang.

Bên cạnh tất cả những chiếc váy vải tuýt và những chiếc váy nhỏ, còn có một số món đồ vô cùng tuyệt vời, đặc biệt là chiếc váy màu xanh hải quân đính sequin từ những năm 1930 mà Nữ công tước xứ Westminster đã mua bất chấp mối quan hệ của Chanel với chồng bà. Hay một bộ đồ ngủ sang trọng bằng kim loại mang ánh bạc từ năm 1967, dẫu trong những bữa tiệc thời trang đương đại ở Tuần lễ thời trang New York, vẫn không hề lỗi mốt.

Triển lãm kết thúc với tác phẩm cuối cùng của Chanel vào năm 1971, khi bà qua đời ở tuổi 87 tại Paris. Nhà thiết kế Yves Saint Laurent, Salvador Dali và nhiều người mẫu thời trang đã đến dự đám tang của bà. (Lịch sử thành công của Chanel với Karl Lagerfeld không được đề cập đến.)

Giám đốc V&A Tristram Hunt giải thích tại buổi ra mắt truyền thông của triển lãm: “Chanel là bậc thầy về nghệ thuật và là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của thời trang phương Tây thế kỷ 20”. “Là một trong những hãng thời trang thành công nhất hiện nay, Chanel mang ơn rất nhiều những khuôn mẫu mà người sáng lập đã đặt ra”.

Dù vậy, triển lãm cũng gập nhiều va vấp khi đề cập đến hoạt động thời chiến của Gabrielle Chanel. Với các ghi chú đề cập đến sự thông đồng với Đức Quốc xã đang chiếm đóng chẳng hạn như mối quan hệ của bà với một sĩ quan Đức, Nam tước Hans Gunther von Dincklage — đồng thời gợi ý rằng bà là thành viên của Lực lượng kháng chiến Pháp. 

Một trong những màn trình diễn thú vị hơn, đó là “phụ kiện vô hình” – nước hoa. Nước hoa nổi tiếng, kinh điển của thế giới, Chanel No. 5 bắt đầu ra mắt vào năm 1921 và triển lãm này sẽ trưng bày những chai nước hoa nguyên bản.  Dù vậy, bạn sẽ phải sử dụng trí nhớ — hoặc trí tưởng tượng — để cảm nhận mùi hương, bởi nó không tương tác theo bất kỳ cách nào. Nhiều người hâm mộ dòng nước hoa nổi tiếng này, phải kể đến nữ minh tinh Marilyn Monroe và Nữ hoàng Elizabeth II. Trong cuộc triển lãm cũng có một bức thư viết tay từ năm 1955 của Lâu đài Windsor từ cố nữ hoàng, cảm ơn một người bạn về món quà mang “con số 5”. ​​“Như thường lệ,” vị quốc vương 29 tuổi viết, “bạn đã phát hiện ra đúng thứ tôi đặc biệt mong muốn.”

Triển lãm “Gabrielle Chanel: Tuyên ngôn thời trang” diễn ra tại Bảo tàng V&A cho đến ngày 25 tháng 2.

Thực hiện: S.