Các mẹo hữu ích để “thanh tẩy” kho đồ của những cô nàng nghiện makeup

Ngày đăng: 25/10/24

Nỗi thống khổ lớn nhất của những cô nàng nghiện makeup và skincare: Đồ đã mua dùng mãi không hết mà vẫn liên tục mua thêm đồ mới về. Cách duy nhất để chấm dứt tình trạng này là đặt ra những nguyên tắc cho bản thân, chỉ mua mới khi đã dùng hết đồ cũ. Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng bởi “tình yêu” với mỹ phẩm cũng như tình yêu trai gái, là những lần thử và thất vọng. Khó có thể gắn bó với chỉ một sản phẩm, nhất là khi nó không hợp với mình. 

Vì thế, Style-Republik sẽ đưa ra những cách “thanh tẩy” tủ đồ makeup để tâm trạng chúng ta trở nên tốt hơn và đỡ tội lỗi hơn sau những lần “vung tiền” không thương tiếc!

Giai đoạn 1: Thanh lọc

Bước 1: Kiểm tra hạn sử dụng

Mỹ phẩm quá hạn sử dụng không hẳn sẽ gây “chết người” khi tiếp tục được sử dụng tuy nhiên cần lưu ý rằng, nhiều thành phần trong sản phẩm sẽ bị mất hoặc giảm tác dụng thậm chí có thể gây dị ứng, viêm nhiễm cho da. 

Nếu không tìm thấy “con số tử thần” được in trên bao bì, hãy tra lại lịch sử đặt hàng của bạn. Việc giữ lại hóa đơn bán hàng khi mua trực tiếp sẽ là một thói quen vô cùng hữu ích mà bạn không ngờ tới. Nó có thể không cho bạn biết ngày sản xuất của món đồ bạn mua mà là ngày bạn mở nắp sản phẩm. Nhiều thương hiệu mỹ phẩm tính thời gian hết hạn kể từ ngày mở nắp, vì thế không chỉ nhớ ngày mở nắp (nếu đãng trí kiểu ra khỏi nhà quên khóa cửa như tôi thì tốt nhất nên ghi ngày ra giấy và dán lên thân sản phẩm cho chắc) mà hiểu các ký hiệu về thời hạn sau mở nắp trên bao bì sản phẩm cũng là một điều quan trọng cần biết.

Một vài quy tắc cơ bản bạn có thể tuân theo:

  • Bất cứ sản phẩm nào dùng quanh mắt nên được bỏ đi sau 3 đến 6 tháng.
  • Các sản phẩm dùng cho môi nên được thay mới sau mỗi 12 tháng.
  • Các sản phẩm dạng lỏng hay kem cho mặt có hạn sử dụng lên đến 1 năm.
  • Các sản phẩm dạng bột thể được sử dụng đến 18 tháng. 

Bước 2: Vứt hết những món nào trông hoặc có mùi là lạ

Cho dù vẫn chưa hết hạn sử dụng, mỹ phẩm vẫn có thể hỏng bởi quá trình tiếp xúc với không khí, ánh nắng, vi khuẩn từ bàn tay con người… Nếu các sản phẩm bị biến đổi về màu sắc, cấu trúc, mùi hương… thì tốt nhất hãy vứt nó đi.

Hình dáng kỳ lạ cũng là một điều bạn nên chú ý, chẳng hạn như cọ trang điểm. Nếu cọ của bạn không quay trở về hình dáng cũ sau khi rửa thì bạn có thể thay cọ mới được rồi. 

Các tips hữu ích để “thanh tẩy” kho đồ của những cô nàng nghiện makeup

Bước 3: Tiễn đưa những món đồ bạn hầu như sẽ chẳng bao giờ sử dụng

Thỏi son bóng lấp lánh kim tuyến như quả bóng disco bạn mua từ năm 2-0-0-mấy chả nhớ? Bảng màu mắt 30 ô thuở bạn còn mộng tưởng mình sẽ là M.U.A (makeup artist) chuyên nghiệp đến giờ vẫn còn nguyên si. Đã đến lúc nói lời tạm biệt. 

Hãy dừng ngay lối suy nghĩ “Biết đâu tôi sẽ cần đến nó?” bởi “biết đâu nghĩa là sẽ không bao giờ”. Tiễn đưa những món đồ đó không nhất thiết phải ném chúng vào thùng rác. Nếu đồ đó vẫn còn tốt, hãy tặng hoặc bán chúng cho những người cần hơn.

Các tips hữu ích để “thanh tẩy” kho đồ của những cô nàng nghiện makeup

Giai đoạn 2: Khử trùng

Bạn thật chăm chỉ lau chùi kệ bếp, nhà vệ sinh… Bạn rửa tay 1001 lần trong ngày. Ấy thế mà hình như “đã từ rất lâu rồi” bạn chưa vệ sinh dụng cụ và đồ trang điểm của mình. Vì thế đừng hoảng hốt tại sao có đến 90% dụng cụ và đồ trang điểm chứa vi khuẩn E.coli và vi khuẩn tụ cầu Staphylococcus. 

Bước 1: Vệ sinh cọ và dụng cụ trang điểm

Trên lý thuyết, cọ và dụng cụ trang điểm nên được vệ sinh sau mỗi lần sử dụng. Thực tế là, chả ai có thời gian để làm điều đó cả. Một tips cho bạn đó là chuẩn bị một bình xịt cồn 70 độ (loại mua ở nhà thuốc) và xịt lên cọ/dụng cụ trước khi sử dụng. Một tháng một lần, rửa cọ với nước ấm và dầu gội lành tính (chất tẩy rửa mạnh có khả năng làm hỏng các sợi lông cọ) rồi sau đó để cọ nằm khô tự nhiên. 

Đối với mút trang điểm, hãy rửa sạch mỗi 2 tuần sử dụng bằng cọ rửa chuyên dụng và đợi khô hoàn toàn rồi hãy sử dụng. 

Các tips hữu ích để “thanh tẩy” kho đồ của những cô nàng nghiện makeup

Bước 2: Vệ sinh mỹ phẩm trang điểm

Các mỹ phẩm trang điểm mắt cần được chú ý vệ sinh cẩn thận nếu bạn không muốn đem cặp mắt đỏ lè đi gặp thế giới. Chì và sáp kẻ mắt nên được gọt để bỏ đi lớp chì cũ đầy vi khuẩn mỗi tuần và nên xịt nhẹ nhàng một lớp cồn trước khi sử dụng. 

Đối với các sản phẩm dạng kem thì không thể xịt cồn vào được rồi. Thay vì thế, nếu bạn nghi chúng bị nhiễm bẩn (rơi sấp mặt xuống sàn, nhiều người dùng chung,…) bạn hãy dùng một con dao bén để cắt đi lớp sản phẩm đó. Vỏ đựng sản phẩm cũng nên được lau thường xuyên bằng khăn tiệt trùng sau vài tuần sử dụng. 

Các tips hữu ích để “thanh tẩy” kho đồ của những cô nàng nghiện makeup

Giai đoạn 3: Sắp xếp khoa học

Các tips hữu ích để “thanh tẩy” kho đồ của những cô nàng nghiện makeup

Đừng quăng mỹ phẩm lung tung hay nhồi nhét chúng vào một chiếc túi plastic một cách vô tội vạ. Hãy đầu tư vào một tủ đựng đồ trang điểm nhiều ngăn nhỏ, chất liệu trong suốt thì càng tốt bởi bạn có thể nhìn thấy mọi thứ trong đó, đặc biệt hữu ích khi bạn đã trễ giờ làm! Hơn nữa, bạn sẽ sốc khi một ngày nào đó lục ra vô số món đồ nho nhỏ bị khuất trong góc của các ngăn tủ bằng gỗ hay da sang trọng nhưng lại đang mốc meo hết cả lên. Vì thế, hãy gạch chân tô đỏ hai chữ “trong suốt”. 

Sắp xếp như thế nào thì cũng tùy theo style của bạn: theo loại hoặc theo tần suất sử dụng. 

Vị trí đặt cũng vô cùng quan trọng. Hãy tránh ánh nắng trực tiếp bởi ánh nắng có thể làm biến chất mỹ phẩm. Tránh nắng nhưng không có nghĩa là đặt chúng trong phòng tắm. Phòng tắm khá bí và ẩm ướt sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển nhanh hơn. Và cuối cùng, luôn đóng chặt nắp sản phẩm sau khi sử dụng để hạn chế sự tiếp xúc với không khí có thể làm oxy hóa sản phẩm.

Thực hiện: Mỹ Đỗ

Tham khảo: Cosmopolitan

Bình luận