Tạm đóng toàn bộ cửa hàng, kinh doanh của Chanel sẽ ra sao khi không có thương mại điện tử?

Ngày đăng: 14/04/20

Trong khi những thương hiệu xa xỉ như Gucci và Louis Vuitton đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong thập kỷ qua, Chanel vẫn giữ thái độ bình thản. Đa phần các sản phẩm của thương hiệu chỉ hiện diện ở cửa hàng, cách làm truyền thống này giúp thương hiệu duy trì vị thế của mình trong phân khúc xa xỉ. 

Nhưng trong thời đại dịch khi toàn bộ cửa hàng phải đóng cửa trên toàn cầu, Chanel sẽ ra sao? 

Gã khổng lồ của Pháp đã đóng toàn bộ cửa hàng ở châu Âu và Mỹ. Trong đó chỉ có mắt kính, nước hoa và mỹ phẩm trang điểm của thương hiệu được bán trực tuyến, đó không phải là những mặt hàng mang lại doanh thu cao nhất cho thương hiệu như quần áo, túi xách, giày và trang sức. 

Theo các nhà phân tích, thương hiệu với doanh thu 11,1 tỷ đô la theo báo cáo trong năm 2018, lợi nhuận hoạt động gần 3 tỷ đô la. Trong đó mảng làm đẹp chiếm khoảng một phần ba doanh thu. Chanel có vẻ đủ vững mạnh để chờ đợi đại dịch qua đi và mở cửa trở lại. Thêm vào đó, trong cuộc đua, thương mại điện tử chỉ với vai trò thúc đẩy việc bán hàng. Theo Bain, doanh số thu về của bán hàng trực tuyến chỉ chiếm 10% của thị trường xa xỉ. Trong một cuộc khảo sát gần đây được thực hiện bởi Bernstein & Boston Consulting Group, các giám đốc điều hành ngành hàng xa xỉ cho biết họ dự đoán vì đại dịch doanh thu sẽ giảm 30% trong năm nay.

Trong một cuộc khảo sát gần đây được thực hiện bởi Bernstein & Boston Consulting Group, các giám đốc điều hành ngành hàng xa xỉ cho biết họ dự đoán vì đại dịch doanh thu sẽ giảm 30% trong năm nay.

Ông Mario Ortelli, cố vấn chiến lược của ngành xa xỉ thuộc công ty Ortelli & Co cho biết: “Tôi không cho rằng trực tuyến có thể giải quyết được vấn đề cửa hàng bị đóng cửa vào thời điểm này, vì cho đến nay nó chỉ chiếm một phần doanh số bị hụt của việc bán trực tiếp. Rõ ràng là tốt hơn khi có vận hành hệ thống bán hàng trực tuyến trong giai đoạn này, nhưng thương hiệu như Chanel có thể vượt qua cơn bão này nếu nó không kéo dài quá lâu, cho dù không có nền tảng thương mại điện tử đi chăng nữa”. 

Chanel đang tìm cách để thu hút khách hàng, mặc dù các cửa hàng đều đang tạm ngừng hoạt động (các dây chuyền sản xuất và nhà xưởng cũng vậy). Thương hiệu cũng vận hành các công xưởng, nhà máy và nhân viên để sản xuất khẩu trang. Đồng thời quyên góp 1.2 triệu euro cho hệ thống y tế, bệnh viện và nhân viên y tế tại Pháp với hơn 50.000 khẩu trang. 

Sau thời gian dài im hơi lặng tiếng trên truyền thông, đến ngày 23 tháng Ba, Chanel tung ra chiến dịch đẩy mạnh thông điệp #StayAtHome. Trên Instagram của thương hiệu cũng tổ chức một buổi hòa nhạc trực tuyến với giọng ca người Bỉ Angèle, gương mặt đại diện trên campaign cho dòng mắt kính mới nhất của thương hiệu. Chanel cũng xuất bản một danh sách nhạc điện tử trên Apple Music để thư giãn tại nhà. 

Việc không phát triển kênh thương hiệu điện tử có thể mang đến lợi thế cho Chanel. Luca Solca, một chuyên gia thời trang đã khuyên các thương hiệu xa xỉ nên “ngủ đông” trong năm nay, nhằm cắt giảm chi phí sản xuất (trong khi vẫn giữ mặt bằng và đội ngũ nhân viên nếu có thể). Bằng cách này, thương hiệu không cần phải đầu tư thêm và có thể giải quyết nguồn hàng tồn bằng cách giảm giá khi được mở cửa trở lại. 

Chanel, thương hiệu thuộc quyền sở hữu tư nhân và có lợi nhuận cao, thích hợp với chiến lược này. “Tôi nghĩ Chanel sẽ sớm vượt qua Covid-19 hơn tất cả. Họ là một trong những thương hiệu được khao khát trên toàn cầu, có sức phục hồi mạnh mẽ”. 

Tuy nhiên, đại dịch cũng có thể là thời cơ để thúc đẩy cho các thương hiệu tập trung hơn vào mảng thương mại điện tử. Nhà đồng hồ xa xỉ Patek Philippe, lần đầu tiên chọn giải pháp bán hàng trực tuyến.

“Nếu đại dịch kéo dài, những chuyến bay vẫn bị giới hạn thì thương mại điện tử sẽ trở nên hấp dẫn hơn với các thương hiệu xa xỉ.” Luca Solca nhấn mạnh “[thương mại điện tử] là dịch vụ dần trở nên quan trọng hơn sau cuộc khủng hoảng này. Đây là một cốt lõi của dịch vụ và mang lại sự hài lòng cho khách hàng.”

Thực hiện: Côn Quân

Theo BOF