Hàng tồn kho: Chuyện gì sẽ xảy ra khi cửa hàng thời trang đóng cửa?
Ngày đăng: 08/04/21
Kể từ khi đại dịch bùng phát, ngành thời trang rơi vào trạng thái lo sợ về lượng lớn hàng hóa tồn đọng từ các cửa hàng truyền thống. Mùa xuân năm ngoái, nhiều nhà thiết kế và thương hiệu đã hoãn một phần các bộ sưu tập của họ đến năm 2021. Tuy nhiên, giờ đây, ngay cả năm 2021, thế giới lần nữa chứng kiến những đợt giãn cách xã hội kéo dài hàng tháng. Trải qua một mùa đông bất thường và các bộ sưu tập được đẩy sang mùa thu, quá trình sản xuất của thời trang không chỉ bị đình trệ mà còn gây ra sự hỗn loạn.
Thế nhưng vào đầu đại dịch có một điều đáng chú ý. Đột nhiên, các thương hiệu thời trang sẵn sàng công khai vấn đề của họ. Đơn đặt hàng bị hủy, tiền thuê bị gián đoạn, thời hạn thanh toán được gia hạn, hàng hóa bị từ chối, nhân viên liên tục nghỉ phép, bộ sưu tập bị thu hẹp dần và phần còn lại thì được xếp vào kho. Đồng thời các chiến lược mới được thi hành và công khai với công chúng.
Bây giờ thì sao? Đài phát thanh im lặng. Cả thương hiệu lẫn nhà bán lẻ đều không đề cập thảo luận vấn đề công khai. Tất cả hàng hóa tồn đọng từ mùa xuân năm ngoái sẽ như thế nào? Điều gì xảy ra với những bộ sưu tập mùa đông không bán được nhưng phải dọn khỏi các cửa hàng để nhường chỗ cho bộ sưu tập mùa xuân?
Người hưởng lợi sau khủng hoảng: Thương mại điện tử
Với sự phong toả của ngành bán lẻ, các trang thương mại điện tử trở thành sự lựa chọn cần thiết cho các thương hiệu và nhà bán lẻ nói chung khi họ buộc phải chuyển sang hoạt động kinh doanh trực tuyến. Trang Amazon đã thêm 295,000 người bán mới trên toàn thế giới chỉ trong 3 tháng đầu tiên của 2021. Tại thị trường thương mại điện tử Mỹ, tính đến thời điểm hiện tại, đã có gần 77,000 người bán mới tương đương với 26%. Bên cạnh đó, đã có 18,000 cửa hàng mới được thành lập trên Amazon ở Đức, khiến nước Đức là quốc gia đứng thứ 3 có tốc độ tăng trưởng cao nhất của nền tảng này ở Châu Âu, sau Anh và Hà Lan.
Theo báo cáo của nhà bán lẻ thời trang trực tuyến Zalando, hoạt động kinh doanh của họ đã tăng lên gấp bội. Tổng khối lượng hàng hóa, bao gồm doanh thu của chính Zalando và doanh số bán hàng thông qua hệ thống “Kết nối ngành bán lẻ” từ các nhà cung cấp bên thứ ba, dự kiến sẽ tăng 50% chỉ trong quý đầu tiên. Đến năm 2025, 50% tổng sản lượng hàng hóa dự kiến sẽ đến từ các thương hiệu và đối tác bán lẻ khác.
Tương tự như trang thương mại điện tử, những kênh bán hàng khác như các câu lạc bộ mua sắm chuyên tìm hàng dư thừa của các thương hiệu. Tuy nhiên, hàng tồn kho và công suất của các nhà máy trên hiện cũng đã đạt đến mức giới hạn.
Giao hàng trực tiếp từ cửa hàng: Hàng hoá từ cửa hàng được bán trực tuyến
Rất nhiều chuỗi cửa hàng đã phải nỗ lực trong việc kết nối mạng lưới các cửa hàng truyền thống cùng việc sản xuất nội bộ để hạn chế hàng tồn kho ít nhất có thể. Martin Öztürk, chuyên gia từ Roqqio – công ty phần mềm dành cho thương mại điện tử và nhà bán lẻ truyền thống nhận định “Giao hàng trực tiếp từ cửa hàng ngày được thực hiện nhiều hơn. Bằng cách này, hàng hóa của các cửa hàng có thể được tích hợp vào thương mại trực tuyến, với điều kiện là các cửa hàng đã sẵn sàng đóng gói bưu kiện. Công cụ này đã giúp các thương hiệu bán được hàng trong thời gian giãn cách xã hội. Ngoài ra ưu điểm của nó chính là nhà bán lẻ vẫn giữ được hoạt động kinh doanh độc lập của mình và không hoàn toàn phụ thuộc vào Zalando trong kinh doanh trực tuyến.”
Thị trường bán lại: Kênh phân phối còn quá chật hẹp
Bán lại hàng hoá thừa cũng là một giải pháp. Tuy nhiên, “vẫn còn lượng lớn hàng hoá trên thị trường,” Andreas Meyer, người đứng đầu công ty Captiva tại Neuss, Đức cho hay. Ông đã mua những hàng hoá còn lại và xuất khẩu chúng sang các quốc gia khác, chủ yếu ở Đông Âu. Trong nhiều tuần qua, ông nhận được ít nhất 5 lời đề nghị bán mỗi ngày từ các chuỗi bán lẻ hoặc nhà bán lẻ thời trang lớn muốn bán hàng của họ, đó là chưa kể từ phía các nhà bán lẻ nhỏ. “Tình huống mà tôi chưa từng trải qua trong kinh doanh trong 25 năm qua. Đó còn là vấn đề tồn tại trong kinh doanh thời trang. ” Vấn đề chính là hàng hóa mùa đông của năm 2020 vẫn được giao đúng hạn và được các nhà bán lẻ thanh toán, nhưng sau đó không bán được. Meyer giải thích: “Chúng tôi không thể bán quần áo mùa đông ở bất cứ đâu – ngay cả ở Nga.”
Những gì ông có thể làm là lưu trữ lượng hàng hoá này và tìm cách giải quyết tồn kho vào mùa thu tới. Trường hợp này đã xảy ra tương tự ở những quốc gia khác. Bất cứ nơi nào các cửa hàng đóng cửa, vẫn có hàng hoá không bán được và cần mang đi đâu đó. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung tồn kho rất lớn nhưng lượng cầu lại thấp. Thực tế được phản ánh trong giá mua, hiện thấp hơn 50% so với mùa mua thông thường.
Cơ hội cuối cùng: Từ thiện
Từ thiện là biện pháp cuối cùng để loại bỏ hàng hóa còn sót lại và giải phóng không gian kho lưu trữ. Nhưng ngay cả hành động tuyệt vọng cuối cùng này cũng có thể gây tốn kém dưới dạng thuế bán hàng ở nhiều nơi. Ví dụ như ở Đức, kể từ giữa tháng 3, theo gói viện trợ mới của chính phủ, lần đầu tiên ở Đức có thể tặng miễn phí hàng hóa theo mùa. Vào cuối tháng 2, các nhà kinh doanh và tổ chức từ thiện đã yêu cầu việc quyên góp quần áo phải trở nên dễ tiếp cận hơn đối với những người có nhu cầu.
Chuyển ngữ: Như Quỳnh
Theo Fashion United