Layering trong chăm sóc da – Những điều nên và không nên làm

Ngày đăng: 28/06/21

Khi công cuộc chăm sóc da trở nên phức tạp hơn với nhiều bước hơn và nhiều vấn đề cần giải quyết hơn, phụ nữ chúng ta thường có khuynh hướng “tấp” mọi thứ lên mặt với hy vọng những thứ đó sẽ giải quyết hết tất cả các vấn đề của làn da. Layering các sản phẩm chăm sóc da không còn mới lạ nhưng có một số nguyên tắc bạn cần nắm để tránh được tối đa những lần “chuột bạch” thất bại. 

Bạn cần tìm hiểu rõ trong mỗi sản phẩm chăm sóc da có chứa những thành phần gì và liệu chúng có “đánh nhau” trên mặt bạn khi sử dụng cùng lúc hay không. Điều đó không chỉ làm lãng phí sản phẩm, tiền bạc (vâng, một chai serum mất cả tháng để thấy hiệu quả nhưng chỉ mất một giây để làm ví ta đau!) và thậm chí khiến làn da của bạn có nguy cơ bị kích ứng xấu xí. 

Và sau đây là một số thành phần dưỡng da bạn cần thận trọng khi sử dụng trong quá trình chăm sóc da:

Retinol

Layering trong chăm sóc da - Những điều nên và không nên làm

Thần dược cho làn da lão hóa – một dẫn xuất của Vitamin A có tác dụng thúc đẩy tốc độ chuyển hóa và sản sinh các tế bào da, từ đó cải thiện các nếp nhăn, vùng da không đều màu, vết thâm sạm và mụn. Chỉ có điều retinol có khả năng gây kích ứng, khiến da khô, bong tróc và nhạy cảm với ánh nắng. 

Nên: Sử dụng retinol với các sản phẩm có thành phần giữ ẩm như hyaluronic acid, ceramides và kem chống nắng. 

Không nên: Sử dụng retinol cùng với vitamin C, benzoyl peroxide, and AHA/BHA acids.

  • AHA/BHA acids là các hoạt chất tẩy tế bào chết hóa học có thể khiến da khô, kích ứng vì thế không nên tăng gánh nặng cho da bằng việc dùng thêm retinol.
  • Retinol và benzoyl peroxide sẽ triệt tiêu nhau khiến dược hiệu của hai chất bị giảm. 
  • Vitamin C có khả năng bảo vệ làn da khỏi các tác nhân gây hại của tia cực tím nên hãy sử dụng vào buổi sáng còn retinol nhạy cảm với ánh nắng nên hãy sử dụng vào ban đêm. 

Vitamin C

Layering trong chăm sóc da - Những điều nên và không nên làm

Vitamin C cung cấp các chất chống oxi hóa và giúp bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím nên phù hợp sử dụng nhất vào ban ngày. Ngoài ra, vitamin C còn giúp làm sáng và đều màu da cũng như làm mờ các vết thâm nám. 

Nên: Kết hợp vitamin C với các chất chống oxi hóa như vitamin E có thể thúc đẩy hiệu quả của vitamin C. Vitamin C nên luôn được sử dụng trước kem chống nắng vì chúng bổ trợ nhau trong việc chống nắng và giảm tác động của các chất oxi hóa đến từ tia cực tím trong ánh nắng.

Không nên: Dùng vitamin C chung với retinol.

Retinol có tác dụng thúc đẩy chuyển hóa và tái tạo da nên hãy sử dụng vào ban đêm khi da nghỉ ngơi để có hiệu quả tốt nhất. Còn vitamin C thì hiệu quả tốt nhất khi sử dụng vào buổi sáng. Vì thế, hãy sử dụng 2 chất này vào 2 thời điểm khác nhau.

AHA/BHA Acids

Layering trong chăm sóc da - Những điều nên và không nên làm

Các chất tẩy tế bào chết hóa học như salicylic, glycolic, lactic acids… có thể giúp làm đồng đều màu da, làm sạch da và trị mụn. Và cũng như retinol, tẩy tế bào chết hóa học có khả năng làm khô và kích ứng da. Nguyên tắc là: luôn dưỡng ẩm sau khi dùng tẩy tế bào chết hóa học.

Nên: Sử dụng AHA/BHA acids cùng với chất giữ ẩm (ceramides, petrolatum, hyaluronic acid, hay glycerin) và kem chống nắng.

Không nên: Sử dụng AHA/BHA acids với retinol và tẩy da chết vật lý bởi chúng có thể tăng sự kích ứng thậm chí dẫn đến các vấn đề về da như viêm da cơ địa, chàm…

Benzoyl Peroxide

Layering trong chăm sóc da - Những điều nên và không nên làm

Benzoyl Peroxide là một hoạt chất vô cùng hiệu quả trong việc trị mụn tuy nhiên, cũng như các chất kể trên, nó làm da khô đáng kể dẫn đến bong tróc hay kích ứng. 

Nên: Sử dụng Benzoyl Peroxide với chất dưỡng ẩm, chống nắng và kháng sinh. Riêng kháng sinh chỉ nên được kết hợp cùng Benzoyl Peroxide khi có chỉ định của bác sỹ.

Không nên: Sử dụng Benzoyl Peroxide chung với retinol, thuốc trị mụn kê đơn tretinoin. 

Như đã đề cập ở trên, benzoyl peroxide và retinol triệt tiêu nhau khi sử dụng chung. Còn thuốc trị mụn kê đơn tretinoin (một dạng của retinol) khi sử dụng với benzoyl peroxide phải cần thận trọng hơn rất nhiều. Để hạn chế kích ứng, bạn có thể sử dụng hai chất này ở hai thời điểm khác nhau trong ngày (benzoyl peroxide vào buổi sáng và tretinoin vào buổi tối) hoặc benzoyl peroxide dạng wash-off (rửa lại) còn tretinoin dạng leave-on (không rửa lại).

Niacinamide

Layering trong chăm sóc da - Những điều nên và không nên làm

Là dẫn xuất của vitamin B3, niacinamide có tác dụng chống oxi hóa, kháng viêm, làm sáng và đều màu da. 

Nên: Niacinamide có thể được sử dụng chung với hầu hết các chất dưỡng da/đặc trị khác trong chu trình chăm sóc da của bạn.

Không nên: Dùng chung niacinamide với vitamin C vì chúng triệt tiêu hiệu quả của nhau.

SPF (Kem chống nắng)

Layering trong chăm sóc da - Những điều nên và không nên làm

Nếu chỉ được chọn một sản phẩm dưỡng da duy nhất, hãy dùng kem chống nắng để chống ung thư da và lão hóa. 

Nên: SPF có thể được sử dụng với hầu hết các chất dưỡng da khác. 

Không nên: Trộn SPF cùng với kem dưỡng và sản phẩm trang điểm.

Đối với các cô nàng sâu lười, trộn chung tất cả với nhau tưởng chừng như là một con đường tắt thần thánh với hy vọng cái hỗn hợp all-in-one (mọi thứ trong một) này sẽ hiệu quả. Nhưng không, không có thứ gì là all-in-one (nếu bạn có thấy sản phẩm nào hứa hẹn điều này, hãy mạnh dạn bỏ qua nó). Kem chống nắng nên là một bước riêng biệt sau các bước dưỡng da và trước các bước trang điểm. 


Thực hiện: Mỹ Đỗ

Tham khảo: The Dos and Don’ts of Mixing Skincare Ingredients