Thời trang Việt gặp khó trong việc bảo vệ hình ảnh thương hiệu
Ngày đăng: 27/03/20
Một buổi sáng, thương hiệu áo thun in Chiot nhận được tin nhắn từ khách hàng, thông báo một chiếc áo thun được cho là giống của thương hiệu đang được rao bán trên một fanpage khác có cửa hàng tại Hà Nội với mức giá giảm 50%.
Nhiều thương hiệu kinh doanh thời trang nhỏ lẻ tại Việt Nam cũng gặp phải tình trạng tương tự như thế. Một ngày đẹp trời, thấy hình ảnh sản phẩm do chính mình thực hiện được rao bán công khai với mức giá rẻ hơn ½ hay ⅓ trên mạng từ một cửa hàng xa lạ, cho thấy tình trạng thương hiệu gặp khó trong việc bảo vệ hình ảnh.
Chị Thiên Bình, đại diện cho Chiot chia sẻ lại câu chuyện với Style-Republik: “Chiot vốn là brand áo thun in trắng đen, với các mẫu in được đặt hàng riêng bởi artist riêng của team mình. Năm ngoái, mình được một bạn khách hỏi là Chiot vừa mở chi nhánh ở Hà Nội phải không? Câu hỏi khiến mình rất bất ngờ. Hoá ra bạn ấy thấy artwork có tên “Masturdating” của Chiot đang được bày bán tại một shop áo thun trắng đen khác ngoài Hà Nội. Mình đã nhanh chóng nhận ra đây là hành động đạo nhái và giải thích với khách, để khách tránh mua nhầm hàng không phải do Chiot sản xuất. Về phần shop kia, khi mình liên hệ, họ đã tỏ thái độ khá thờ ơ, không xem đây là hành động sai. Họ giải thích rằng artwork này được tải từ Pinterest xuống. Mình yêu cầu đưa link thì họ không đưa được. Nhưng họ cam kết sẽ tháo sản phẩm xuống, không sản xuất mẫu này nữa. Vụ việc tưởng chừng như tạm ổn thì mới đây, mình lại bị một khách hàng ở Hà Nội thông báo là sản phẩm này vẫn đang được bán, thậm chí là giảm tới 50%.”
Nhiều thương hiệu thời trang Việt lớn nhỏ cũng gặp tình trạng tương tự Chiot khi hình ảnh sản phẩm do chính mình thực hiện được các fanpage kinh doanh thời trang khác đăng lại và rao bán với mức giá giảm ½ hay ⅓, hoặc ngược lại, thậm chí còn có tình trạng bán cao hơn giá sản phẩm gốc.
Vài năm trở lại đây, khi kinh doanh thời trang nở rộ, cũng là lúc thị trường Việt Nam tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Và vấn đề vi phạm khi sử dụng hình ảnh là một trong số đó, cũng còn nhiều người kinh doanh thời trang basic như áo thun in lại vô tư sử dụng artwork có trên Pinterest, Google vì mục đích thương mại mà không thông qua artist.
Song song đó, nhiều trang fanpage công khai đăng bán những sản phẩm được gia công từ xưởng nhưng sử dụng ảnh chụp được thực hiện bởi các local brand. Họ không ngần ngại xóa credit của thương hiệu và thậm chí còn in logo của mình lên.
“Những ai không hiểu rõ câu chuyện sẽ thường có xu hướng chọn sản phẩm có giá thấp hơn, mà họ không biết rằng vốn dĩ giá thấp hơn là vì thương hiệu đó đâu mất chi phí vào khâu đặt hàng họa sỹ thiết kế.” – Chị Thiên Bình đại diện cho Chiot.
Trở lại với Chiot, khi hỏi về thiệt hại cho thương hiệu, chị Thiên Bình cũng chia sẻ: “Về vấn đề tiền bạc thì mình không bàn tới bởi rất khó để ước lượng được. Nhưng chắc chắn những vụ việc như thế này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh thương hiệu. Khách hàng sẽ hiểu lầm rằng Chiot cũng tải ảnh trên mạng xuống để in áo, hoặc Chiot bán lại artwork cho shop khác để họ kinh doanh. Thậm chí, việc shop đạo nhái bán chính mẫu artwork đó với giá thấp hơn cũng sẽ rất có hại. Những ai không hiểu rõ câu chuyện sẽ thường có xu hướng chọn sản phẩm có giá thấp hơn, mà họ không biết rằng vốn dĩ giá thấp hơn là vì thương hiệu đó đâu mất chi phí vào khâu đặt hàng họa sỹ thiết kế.”
Tương tự vậy, với việc tự ý lấy hình ảnh được thực hiện bởi local brand rồi công khai đăng bán của những người kinh doanh thời trang cũng khiến cho thương hiệu gặp khó. Vì để thực hiện một bộ ảnh, local brand phải bỏ kinh phí lẫn công sức không hề nhỏ, còn chưa kể chi phí cho bộ máy vận hành phía sau.
Đối mặt với tình trạng vi phạm, những thương hiệu lớn họ có thể công khai kêu gọi khách hàng tẩy chay hay report. Nhưng với thương hiệu nhỏ mới chập chững bước chân vào kinh doanh thời trang, nhiều chủ thương hiệu chỉ biết ấm ức kể trên fanpage hoặc inbox nói chuyện trực tiếp với các cửa hàng lấy hình ảnh trái phép. Tuy nhiên, đa phần đều không nhận được hồi đáp tích cực, như Chiot là một ví dụ.
Một số thương hiệu rút kinh nghiệm bằng cách in logo của thương hiệu trực tiếp lên hình ảnh. Nhưng không phải thương hiệu nào cũng muốn làm vậy vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thẩm mỹ.
Không dừng lại ở khía cạnh kinh doanh, việc đăng bán sản phẩm với hình ảnh từ thương hiệu khác còn gây thiệt hại cho khách hàng. Vài năm trở lại đây, người mua hàng trên mạng càng trở nên tỉnh táo hơn sau những cú phốt mua hàng online dở khóc dở cười, đặt mua vì hình ảnh lộng lẫy nhưng khi nhận thì đồ kém chất lượng. Một người dùng Facebook comment sau một post mang tính “bốc phốt”: “Phải hiểu tiền nào của nấy, một thiết kế như vậy không thể có giá vài trăm ngàn…”.
“Như mọi người cũng biết, những năm gần đây, vấn đề bản quyền ở Việt Nam mới bắt đầu có những sự tiến bộ. Dù vậy, nhiều người vẫn giữ quan điểm: Đạo nhái một chút thì có sao? Mượn ý tưởng thôi mà. Hoặc dùng việc ”được truyền cảm hứng từ ABC…” để bao biện cho hành vi của mình. Vì thế, các thương hiệu chỉ có thể tự bảo vệ mình ở bước đầu tiên là đăng ký bản quyền thương hiệu. Mình chỉ có thể mong các bạn – những khách hàng yêu thích thương hiệu Việt – hãy tỉnh táo và khôn ngoan trong việc mua sắm.” – chị Thiên Bình chốt lại câu chuyện của thương hiệu.
Hãy tìm kỹ thông tin về cửa hàng trước khi mua để đảm bảo việc mua được sản phẩm chất lượng, cũng như ủng hộ cho các thương hiệu làm ăn chân chính, chỉ có như vậy họ mới có thể tiếp tục tồn tại và đền đáp cho khách hàng những sản phẩm sáng tạo thực sự.
Thực hiện: Kiri