Vì sao không dễ tạo nên những gã khổng lồ trong ngành thời trang nhanh như H&M hay Zara tại Việt Nam?
Ngày đăng: 19/07/22
Trở thành gã khổng lồ của ngành thời trang như H&M hay Zara luôn là mơ ước của những nhà kinh doanh thời trang. Nhưng vì sao hiện thực hoá điều này lại không hề dễ dàng?
Vừa qua, AVAFashion và AVAJi là hai thương hiệu mảng thời trang của CTCP Đầu tư Thế giới Di động hiện đang tạm ngừng kinh doanh sau 6 tháng ra mắt. Tại thời điểm ra mắt, CEO Đoàn Văn Hiểu Em cho biết “dự định phát triển AVAFashion theo con đường của Zara và H&M: Đẩy mạnh R&D và thiết kế, sau đó đi thuê gia công. Đồng thời, AVAFashion sẽ cá nhân hóa phù hợp với hình thể của người Việt Nam hơn các nhãn hàng nước ngoài”. Tuy nhiên, tham vọng của vị CEO đã không thể thành hiện thực.
“Đẩy mạnh R&D và thiết kế, sau đó đi thuê gia công” là một mô hình mà H&M và Zara đã thành công, tuy nhiên có rất nhiều đằng sau ảnh hưởng đến thành bại của một thương hiệu thời trang khi phát triển tại thị trường đặc thù như ở Việt Nam.
Thời trang nhanh đang dần bất ổn?
Thời hoàng kim của thời trang nhanh, có còn không? Nhìn một chút về quá khứ, H&M bắt đầu kinh doanh thời trang từ năm 1968, còn Amancio Ortega mở cửa hàng Zara đầu tiên ở trung tâm thành phố A Coruña, Tây Ban Nha là vào năm 1975. Sau Thế Chiến Thứ Hai, nguyên vật liệu may mặc thiếu thốn, thế giới từng trải qua một thời gian “thắt lưng buộc bụng”. Từ những năm 1960, việc thời trang nhanh giá rẻ giúp thoả mãn cơn khát thời trang của công chúng thời bấy giờ sau thời gian dài giảm thiểu ăn diện. Các thương hiệu thời trang nhanh lần lượt ra đời, để có lợi nhuận lớn, các công ty Mỹ và châu Âu nghĩ ra cách thuê nhân công giá rẻ ở các nước đang phát triển.
Kỳ thực các thương hiệu thời trang nhanh không chỉ có H&M, Zara, mà còn có Forever21, Topshop, GAP, Esprit, Primark… và hàng ngàn thương hiệu khác. Tuy nhiên, không phải thương hiệu nào cũng vươn được đến đỉnh cao và may mắn còn tồn tại đến ngày nay như hai thương hiệu trên.
Đơn cử là vào năm 2019, Forever21, thương hiệu thời trang nhanh đã một thời phổ biến ở khắp nước Mỹ với những cửa hàng sản phẩm giá bình dân đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Một dấu hiệu cho thấy sự các trung tâm bán lẻ đang giảm dần sức hút trong thời kì thương mại điện tử lên ngôi, đồng thời cũng cho thấy thị hiếu người tiêu dùng ngày nay, nhất là người trẻ đang có sự thay đổi rõ rệt. Năm 2020, thương hiệu Topshop cũng cùng chung số phận.
Đi theo mô hình kinh doanh của thời trang nhanh không hẳn sẽ thành công dù có sẵn công thức nhất định – “Đẩy mạnh R&D và thiết kế, sau đó đi thuê gia công” – khi mà chính thời trang nhanh cũng đang bị cạnh tranh dữ dội bởi “thời trang siêu nhanh”. Shein, đến từ Trung Quốc, một tay chơi mới trong ngành thời trang đang bành trướng khắp toàn cầu với những sản phẩm thời trang giá siêu rẻ từ nguồn nguyên liệu và nhân công bản xứ. Thay vì gia công cho các thương hiệu nước ngoài, người Trung Quốc đã tự thành lập thương hiệu của chính họ với những lợi thế rõ rệt mà không bị ràng buộc nhiều về đạo luật kinh luật như ở châu Âu và Mỹ, khiến cho các ông lớn trong ngành thời trang phải dè chừng.
Cho nên, nếu phát triển thương hiệu thời trang nhanh với hướng đi thời trang nhanh và rẻ, thì việc làm thế nào để ra mắt mẫu mã nhanh và rẻ như Shein là câu hỏi lớn.
Bên cạnh đó, thói quen tiêu dùng thời trang của người Việt cũng có nhiều yếu tố đặc thù chi phối….
Thói quen tiêu dùng thời trang của người Việt
Xu hướng tiêu dùng của thời đại đang dần thay đổi, đòi hỏi các thương hiệu phải dịch chuyển liên tục để thích nghi. Không chỉ vậy, các nhà kinh doanh thời trang luôn phải tìm cách nắm bắt tâm lý và thị hiếu của người tiêu dùng Việt.
Khi phát triển tại thị trường Việt Nam, cả H&M, Zara, Uniqlo phần nào thấu hiểu điều đó. Họ đều chọn các trung tâm thương mại, nơi các gia đình thường tích hợp ăn uống, vui chơi và mua sắm cuối tuần, làm nơi dừng chân. Họ tạo nên các cửa hàng sáng choang, bắt mắt và những ô cửa trưng bày hấp dẫn. M. – một nhân viên văn phòng có mức thu nhập ngàn đô mỗi tháng cho biết, cô thường thuận tiện mua sắm thời trang H&M hay Zara vào cuối tuần khi đi dạo trong trung tâm thương mại: “Các thương hiệu này thường có rất nhiều sản phẩm để chọn lựa, và sẵn đi dạo thì mình sẽ mua gì đó luôn nếu thích…”.
Trong khi đó tại Việt Nam, muốn xây dựng một thương hiệu thời trang hoàn toàn mới sẽ rất vất vả. Và muốn phát triển càng lớn với nhiều cửa hàng thì càng đòi hỏi nhiều chi phí đầu tư cho thương hiệu, nhất là trong giai đoạn đầu và khả thu hồi vốn sẽ không chỉ một sớm một chiều. Điều này khiến nhiều nhà nhà đầu tư phải cân nhắc là chọn mảng thời trang hay một lĩnh vực khác.
Theo viracresearch.com, hiện có khoảng hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài từ hàng tầm trung đến cao cấp đã có cửa hàng chính thức tại Việt Nam. Người Việt có nhiều chọn lựa từ thương hiệu trong nước đến nước ngoài, từ sản phẩm local brand đến hàng Trung Quốc giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada… Theo số liệu từ Euromonitor, trên thị trường thời trang Việt Nam, không có doanh nghiệp nào nắm quá 2% thị phần tiêu thụ. Việc thâu tóm thị phần thời trang Việt vẫn đang là bài toán khó với bất kỳ thương hiệu nào.
Theo viracresearch.com, hiện có khoảng hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài từ hàng tầm trung đến cao cấp đã có cửa hàng chính thức tại Việt Nam.
Đại dịch cũng khiến một bộ phận công dân thay đổi công việc, lối sống và cả chi tiêu dành cho thời trang. Sau đại dịch, báo cáo từ researchandmarkets.vn ghi nhận, tác động đáng chú ý của Covid-19 đến thị trường thời trang nhanh bao gồm: Giảm nhu cầu, Sự thay đổi hướng tới tính bền vững, Tiết kiệm trong việc mua hàng may mặc trực tuyến và Giảm chi tiêu của người tiêu dùng cho hàng may mặc thời trang.
Với Gen Z, có hàng trăm các cửa hàng online xuất hiện mỗi ngày trước mắt qua các mạng xã hội như Facebook, TikTok và Instagram… Trong tâm lý mua sắm của đa số người trẻ và người Việt, cũng thường không có sự trung thành với thương hiệu, họ có thể mua sắm bất kỳ thương hiệu nào nếu thích sản phẩm và nhất là sản phẩm phù hợp với túi tiền.
Một số thương hiệu nội địa như Foci dù từng được coi là “hàng hiệu” với chuỗi cửa hàng số lượng lớn đã phải đóng cửa. Một số thương hiệu Việt khác thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài, như Elise Eva de Eva, Hnoss, Juno… Một số khác thì đang tìm cách để bứt phá. Cũng có một số thương hiệu nội địa đã thành công và có chỗ đứng như Việt Tiến, Nhà Bè, An Phước, May 10,… tuy nhiên họ đã thành công ở phân khúc công sở với các sản phẩm “ăn chắc mặc bền” thay vì ra mắt mẫu mã chạy theo xu hướng liên tục.
Nhìn chung, muốn một thương hiệu thời trang Việt trở thành một gã khổng lồ như H&M và Zara đòi hỏi rất nhiều yếu tố tích hợp, không chỉ đơn giản là nguồn vốn. Từ đó có thể hiểu vì sao CTCP Đầu tư Thế giới Di động lựa chọn dừng lại AVAFashion và AVAJi để dành nguồn lực cho những lĩnh vực tiềm năng và thích hợp hơn.
Thực hiện: Hoàng Khôi
Đọc thêm:
Những gì đã giúp H&M trở thành thương hiệu thời trang thành công trên toàn cầu?
7 bài học thành công từ ông trùm Zara
6 chiến lược marketing đằng sau thành công mở rộng toàn cầu của Uniqlo
Mời bạn cộng tác viết bài cùng Style-Republik!
Hãy gửi những bài viết chia sẻ kinh nghiệm hoạt động/ vận hành một thương hiệu thời trang mà mình đã tích lũy và đúc kết được về cho chúng tôi qua email info@style-republik.com. Thông tin chi tiết tại đây.