Diana d’Arenberg và lời khuyên làm thế nào để chọn mỹ phẩm xanh – sạch

Ngày đăng: 22/09/21

Diana d’Arenberg là một ngòi bút sắc sảo chuyên viết về nghệ thuật, thời trang và văn hóa, đồng thời cũng là nhà tư vấn sáng tạo tại Đức và Hồng Kông. Cô là người sáng lập ra plant-terra.com, một trang web về phong cách sống khám phá tính bền vững và có đạo đức. Các chuyên mục bao gồm: Xu hướng mỹ phẩm sạch Clean Beauty, thiết kế, thực phẩm thuần chay, thời trang, công cuộc đổi mới may mặc và phong trào sống xanh Zero Waste.

Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thêm về chia sẻ của Diana d’Arenberg cho các thành phần mà bạn nên tránh khi bạn muốn “làm sạch hơn” chế độ làm đẹp của mình.

Chân dung Diana d’Arenberg

Trước khi đi vào chi tiết những thành phần trong sản phẩm mà bạn nên cẩn biết khi mua sắm, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nguồn gốc và sự hình thành của Clean Beauty.

Clean Beauty là gì?

Clean beauty là đang một xu hướng làm đẹp thịnh hành mà các tín đồ mỹ phẩm đang hướng tới. Tuy nhiên, vẫn chưa có khái niệm tiêu chuẩn về Mỹ phẩm sạch, vì vậy nó đang vẫn là một vấn đề gây tranh cãi trên nhiều diễn đàn làm đẹp.

Nhìn chung, ngành công nghiệp mỹ phẩm là một trong những ngành ít bị quản lý nhất. Tại Hoa Kỳ, FDA – cơ quan giám sát của chính phủ về các thành phần trong mỹ phẩm – đã không đưa ra định nghĩa rõ ràng về “sạch” và không có nhiều thay đổi kể từ khi Đạo luật Thực phẩm, Dược phẩm và Mỹ phẩm Liên bang lần đầu tiên được thông qua vào năm 1938. Nếu bạn chưa biết, đạo luật đó còn cũ hơn hầu hết các hãng mỹ phẩm hiện nay. 

Bên cạnh đó, mỗi quốc gia có các quy định khác nhau về mỹ phẩm và độ an toàn của chúng. Vì vậy các thành phần được coi là có hại và bị cấm sử dụng trong mỹ phẩm ở một số quốc gia có thể được cho phép ở những quốc gia khác. Ví dụ, có ít hơn một tá các loại hóa chất độc hại bị FDA Hoa Kỳ cấm hoặc hạn chế, cũng như luật pháp không yêu cầu các sản phẩm và thành phần mỹ phẩm phải có sự chấp thuận của FDA trước khi đưa ra thị trường. So sánh số lượng này với châu Âu thì thật sự ít ỏi. Ở châu Âu, có đến 1.328 thành phần trong mỹ phẩm được đưa vào danh sách cấm vì được chứng minh hoặc bị nghi ngờ là gây ung thư, đột biến gen, gây hại cho sức khoẻ sinh sản hoặc dẫn đến dị tật bẩm sinh. Mặt khác, Hồng Kông có các quy định khá thoải mái về mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc da. Nếu một thị trường lớn khác trên thế giới – như Hoa Kỳ – cho rằng sản phẩm an toàn để bán thì Hồng Kông sẽ mặc định điều này. Các sản phẩm chăm sóc da hoặc làm đẹp yêu thích của bạn có thể chứa chất hoá dẻo (plasticisers), chất hoạt động bề mặt (surfactants) và các chất bảo quản có hại có thể xâm nhập vào máu và tích lũy trong cơ thể của bạn do quá trình “phơi nhiễm mãn tính” (Nhiều phản ứng tiếp xúc diễn ra trong một giai đoạn kéo dài thường là từ vài năm đến cả đời).

Dần dần khái niệm Clean beauty được hình thành là để chỉ các sản phẩm sử dụng thành phần an toàn, không độc hại và không chứa những chất đã được chứng minh hoặc bị nghi ngờ là gây hại đến sức khỏe như: chất gây rối loạn nội tiết, chất gây ung thư hoặc chất gây dị ứng và chúng có thể là chất tổng hợp hoặc tự nhiên. Các sản phẩm này loại bỏ các thành phần mạnh và hóa chất độc hại như màu nhân tạo, và các chất gây kích ứng như sulphates và hương liệu. 

Sự minh bạch của sản phẩm ở đây là điểm mấu chốt. Đừng quá tin vào sự cường điệu và quảng cáo. Cách tốt nhất là luôn kiểm tra nhãn thành phần của sản phẩm và chọn các thành phần có nguồn gốc sản xuất đạo đức và được sản xuất có ý thức đến sức khỏe và môi trường. Hãy tin tưởng vào sự lựa chọn của bạn và luôn luôn phải tìm hiểu về sản phẩm mà bạn muốn sử dụng.

Có phải bạn đang cảm thấy vô cùng bối rối và không biết bắt đầu từ đâu để thay đổi thói quen làm đẹp của mình theo cách tốt hơn? Thật ra, bạn không cần phải bỏ hết những gì mà bạn đang có. Hãy bắt đầu thay đổi từ các sản phẩm mà bạn hay sử dụng và có thời gian tiếp xúc lâu dài trên da, như kem dưỡng ẩm mặt hoặc toàn thân, lăn khử mùi hoặc kem chống nắng. Nếu bạn tìm thấy một sản phẩm sạch hiệu quả hơn sản phẩm thông thường mà bạn hiện đang sử dụng, hãy đổi sản phẩm đó. Nếu bạn đang có những vấn đề về da đang cần được giải quyết như da bị mẫn cảm hoặc dị ứng, hãy ưu tiên những vấn đề này và loại bỏ các nguyên nhân gây kích ứng da khỏi mỹ phẩm và thói quen chăm sóc da của bạn.

Sau khi đã có khái niệm về Clean Beauty, chúng ta cùng đi sâu hơn về các thành phần đang gây tranh cãi và gây kích ứng mà bạn có thể muốn tránh.

Hương liệu và chất tạo mùi

Hương liệu và chất tạo mùi không phải được tạo từ một chất duy nhất mà được tạo từ hơn 3000 thành phần và hóa chất độc hại chưa được tiết lộ bao gồm nhiều chất phụ gia hóa học gây ung thư như các dẫn xuất benzen, an-đê-hít (aldehydes), dung môi công nghiệp toluen, chất làm dẻo hóa học (phthalates) và một số hóa chất độc hại khác. Đó là những chất dễ dàng được hấp thụ và hít phải khi sử dụng trên da.

Parabens – Các hợp chất có gốc methyl-, propyl-, butyl-, isobutyl…

Đây là một chất mà bạn có thể thường nghe trong thời gian gần đây. Parabens được sử dụng làm chất bảo quản trong nhiều sản phẩm chăm sóc da. Các nghiên cứu cho thấy chúng có thể bắt chước estrogen trong cơ thể người và có liên quan đến sự rối loạn tuyến giáp và được phát hiện trong các mô ung thư vú ở người.

Phthalates – Chất làm dẻo hóa học

Phthalates thường được tìm thấy trong sơn móng tay, thuốc xịt tóc, kem dưỡng sau cạo râu, xà phòng, dầu gội và nước hoa. Chất làm dẻo này giữ cho các sản phẩm chăm sóc da và mỹ phẩm mềm và dẻo, đồng thời giúp nước hoa thơm lâu hơn. Phthalate có thể phá vỡ các liên kết hormone và có liên quan đến các bệnh về sinh sản, béo phì và tiểu đường.

BHT và BHA (Butylated Hydroxytoluene và Butylated Hydroxyanisole)

Đây là những chất chống oxy hóa tổng hợp được sử dụng làm chất bảo quản trong son môi và kem dưỡng ẩm, nó có thể gây ra tình trạng dị ứng trên da. BHA đã được phân loại là chất có thể gây ung thư ở người và có thể ảnh hưởng đến chức năng của hormone.

Có thể bạn đang bối rối giữa BHA (Butylated Hydroxyanisole) và BHA (beta hydroxy acid). Đây là 2 hợp chất hoàn toàn khác nhau. Đặc điểm nổi bật của Beta Hydroxy Acid là thành phần loại bỏ tế bào chết, giải quyết tình trạng bít tắc, khiến da mịn màng và thu nhỏ lỗ chân lông. Beta Hydroxy Acid phổ biến nhất là Salicylic acid, phần lớn được chiết xuất từ vỏ cây liễu, dầu của cây lộc đề xanh. Đó đều có nguồn gốc từ tự nhiên nhiều tác dụng và có lợi cho làn da.

Formaldehyde và các chất bảo quản giải phóng Formaldehyde

Chất bảo quản kháng khuẩn này thường được tìm thấy trong sơn móng tay và phương pháp điều trị làm mịn chất sừng như Keratin treatment. Được biết đến là một chất gây dị ứng và mẫn cảm cho da, nó còn có liên quan đến việc nhiễm độc hệ thống miễn dịch và kích ứng đường hô hấp, đồng thời là chất gây ung thư được công nhận nếu sử dụng với một lượng lớn.

Bột Talc

Có vẻ như vô hại nhưng trong những năm gần đây, thành phần đất sét này – được sử dụng trong phấn mắt, phấn dùng cho mặt và các sản phẩm chăm sóc cá nhân khác – đã làm dấy lên những lo ngại về việc bị nhiễm asbestos, các bệnh có liên quan đến ung thư vú.

Triclosan

Một hợp chất kháng khuẩn tổng hợp được tìm thấy trong xà phòng, chất tẩy rửa, chất rửa tay và các sản phẩm chăm sóc da. Nó có liên quan đến các bệnh dị ứng như kích ứng da và mắt và có thể liên quan đến sự gián đoạn chức năng tuyến giáp và hormone, sự phát triển của siêu vi khuẩn và phá vỡ hệ thống vi sinh của cơ thể.

Sodium Lauryl Sulfate (SLS) và Sodium Laureth Sulfate (SLES)

Những chất hoạt động bề mặt này là những chất tạo bọt cho dầu gội đầu, sữa rửa mặt, chất tẩy rửa và sữa tắm. Nó là một thành phần nhạy cảm da, một chất gây kích ứng da và mắt, đồng thời có thể khiến da khô và bong tróc, dị ứng và mẩn đỏ.

Nhựa than đá – Coal Tar (Carbon Black or Black No.2 D&C)

Chiết xuất từ dầu mỏ và được sử dụng trong son môi, phấn mắt, kẻ mắt, mascara và thuốc nhuộm. Có thể gây kích ứng da, dẫn đến nổi mụn và dị ứng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhựa than đá là chất gây ung thư.

Bộ lọc UV hóa học như Oxybenzone và Octinoxate

Có liên quan đến việc ức chế hormone, dị ứng và các chất có thể gây ung thư. Một nghiên cứu gần đây cũng cho thấy rằng một số bộ lọc UV hóa học nhất định đang xuất hiện với nồng độ cao hơn trong máu của chúng ta so với ngưỡng khuyến nghị của FDA. Theo đó, cả Octinoxate và oxybenzone được chứng minh có hại cho các rạn san hô và đã bị cấm ở Hawaii.

Thực hiện: C.

Theo Vogue