Kinh doanh thời trang: Chủ local brand cần có những kỹ năng tài chính quan trọng nào?

Ngày đăng: 09/08/23

Ngày nay, nhiều người dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh thời trang với niềm đam mê to lớn. Với nhiều bạn trẻ, niềm đam mê đó xuất phát từ sở thích diện trang phục đẹp hay có những bộ ảnh lung linh. 

Tuy nhiên, nếu muốn phát triển một thương hiệu thời trang, những kiến thức kinh doanh, xây dựng và phát triển một doanh nghiệp là yếu tố cần có. Để thành công trong ngành thời trang, bên cạnh các kiến thức như phối trang phục, hoặc làm việc với xưởng may hay là xây dựng hình ảnh thương hiệu thời trang thôi chưa đủ, chủ thương hiệu cũng cần nắm vững những kỹ năng tài chính cơ bản. 

Dưới đây là một số kỹ năng tài chính mà một chủ thương hiệu thời trang cần phải sở hữu để áp dụng nhằm duy trì thương hiệu lâu dài giữa thị trường đầy tính cạnh tranh như hiện nay.

1. Quản lý nguồn vốn

Kỹ năng quản lý nguồn vốn là rất quan trọng để xác định và kiểm soát các khoản chi tiêu, thu nhập và lợi nhuận của doanh nghiệp. Chủ thương hiệu cần biết cách ước tính chi phí sản xuất, quảng cáo, marketing và các hoạt động khác liên quan để duy trì sự ổn định tài chính.

Hãy xem xét và phân loại các khoản chi phí theo mức độ ưu tiên. Điều này giúp bạn biết được những khoản chi phí nào cần được ưu tiên và kiểm soát chặt chẽ. Hãy xác định rõ số tiền bạn có sẵn để đầu tư vào kinh doanh thời trang và thiết lập một ngân sách hợp lí cho các hoạt động của bạn. Ví dụ, tránh việc đầu tư tiền bạc vào làm trang phục quá nhiều nhưng lại không có nhiều ngân sách để quảng cáo đa kênh, hay ngược lại chi phí để chụp lookbook cao nhưng không còn ngân sách để phân bổ quảng cáo. Nên có kế hoạch dự trù từng khoản sẽ giúp chủ các thương hiệu bớt lúng túng trong quá trình phát triển một thương hiệu. 

Bên cạnh đó, bản kế hoạch quản lý nguồn vốn này nên bao gồm cả thu nhập dự kiến ​​và các khoản chi phí dự tính trong ba tháng, sáu tháng và một năm.

2. Quản lý hàng tồn kho

Theo dõi hàng tồn kho của bạn để tránh việc gắn liền với hàng tồn không cần thiết, gây ra sự chậm trễ trong chu trình tiền mặt và tăng chi phí lưu trữ. Tối ưu hóa quy trình đặt hàng và kiểm soát tồn kho để giảm thiểu rủi ro.

Với người quản lý, cần thiết lập hệ thống theo dõi hàng tồn kho để biết chính xác số lượng sản phẩm có sẵn, thông tin về xuất nhập khẩu, ngày sản xuất và hạn sử dụng (đối với các sản phẩm có yêu cầu như thực phẩm). Nên nhóm các sản phẩm thành từng danh mục để thuận tiện cho việc theo dõi và kiểm soát. Ví dụ: áo sơ mi, váy, giày dép. 

Cần xây dựng chuỗi cung ứng liên kết chặt chẽ. Thiết lập liên kết với các nhà cung cấp và nhà sản xuất để đảm bảo nguồn cung ổn định và chất lượng hàng hóa. Có thể sử dụng các phương pháp như JIT (Just-in-Time), EOQ (Economic Order Quantity) hoặc ABC (Activity-Based Costing) để tối ưu hóa việc quản lý hàng tồn kho. Áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin như hệ thống quản lý kho, mã vạch hoặc RFID để tăng tính chính xác và hiệu suất trong việc theo dõi hàng tồn. 

Ngoài ra, việc tối ưu hóa không gian lưu trữ bằng cách sắp xếp sản phẩm một cách có tổ chức, vừa tiết kiệm diện tích và thuận tiện cho việc tìm kiếm sản phẩm khi cần thiết. Nhiều local brand hiện tại gặp lúng túng khá nhiều trong việc quản lý hàng tồn trong kho, dẫn đến việc kho còn hàng nhưng nhân viên bán hàng lại không biết để bán hoặc ngược lại, thương hiệu vẫn chạy quảng cáo online trong khi sản phẩm đã hết hàng. 

3. Kỹ năng phân tích dữ liệu

Với nhiều người nhất là những người làm trong ngành thời trang thường thích theo đuổi xu hướng qua các show diễn, bài viết hơn là phân tích dữ liệu. Rất nhiều người chỉ dựa vào cảm tính, nhìn nhận sản phẩm cho là đẹp hay xấu rồi phán đoán xem nó sẽ bán chạy hay không. Tuy nhiên, kỹ năng phân tích dữ liệu thực sự quan trọng, giúp chủ thương hiệu hiểu rõ hơn về xu hướng tiêu dùng, sự phát triển của thị trường và biến động giá cả. Bằng việc áp dụng các công cụ phân tích dữ liệu, như báo cáo tài chính và số liệu bán hàng, chủ thương hiệu có thể ra quyết định thông minh về việc điều chỉnh sản phẩm hoặc chiến lược kinh doanh thay vì chỉ dựa vào cảm tính. 

Cần thu thập dữ liệu từ các nguồn khác nhau như báo cáo tài chính, thông tin từ khách hàng (qua cuộc khảo sát hoặc phản hồi), hoặc thông tin từ các công ty nghiên cứu thị trường. Dữ liệu này có thể bao gồm số lượng sản phẩm đã bán được, thu nhập trung bình của khách hàng hay ý kiến ​​phản hồi về sản phẩm. Dựa trên mục tiêu nghiên cứu, bạn có thể áp dụng các phương pháp phân tích như biểu đồ, bảng số liệu, kiểm tra giả thuyết hoặc mô hình hóa để tìm ra thông tin quan trọng từ dữ liệu. Ví dụ, bạn có thể sử dụng biểu đồ cột để so sánh doanh thu của các sản phẩm khác nhau trong một khoảng thời gian cụ thể.

Cuối cùng, sau khi đã hoàn thành quá trình phân tích, bạn có thể rút ra kết luận từ kết quả và đưa ra khuyến nghị cho công ty của mình. Ví dụ, nếu bạn nhận thấy rằng một sản phẩm không được ưa chuộng trong khoảng thời gian gần đây, bạn có thể đề xuất điều chỉnh chiến lược marketing để tăng doanh số bán hàng.

4. Quản lý rủi ro

Trong ngành thời trang, có nhiều yếu tố rủi ro như biến động giá vật liệu. Vào thời kỳ covid, do lệnh phong toả, dẫn đến các thương hiệu khó khăn trong việc tìm mua chất liệu phù hợp để sản xuất. 

Sự thay đổi xu hướng và sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường hiện nay cũng là điều chủ local brand cần lưu ý. Nhiều thương hiệu chạy theo xu hướng đang thị hành trên thị trường hiện nay, tuy nhiên trong thời đại ngày nay các xu hướng thay đổi chóng vánh. Quá trình các thương hiệu tìm kiếm ý tưởng, làm việc với nhà xưởng kéo dài có thể dẫn đến khi sản xuất được tung ra mắt thì sản phẩm na ná đã tràn ngập trên thị trường, dẫn đến khả năng tiêu thụ kém. 

Vì thế, chủ thương hiệu cần có kỹ năng quản lý rủi ro để đưa ra các chiến lược bảo vệ doanh nghiệp khỏi những tác động tiêu cực và tận dụng cơ hội mới.

5. Lập kế hoạch tài chính

Lập kế hoạch tài chính cho thương hiệu thời trang là một quá trình phức tạp và đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng. Người chủ nên thiết lập các mục tiêu tài chính rõ ràng và có khả thi cho thương hiệu của mình. Các mục tiêu này có thể bao gồm doanh thu hàng năm, lợi nhuận mong muốn, tỷ suất sinh lời hoặc sự gia tăng vốn.

Để làm được điều này thì kỹ năng lập kế hoạch tài chính là điều quan trọng, giúp chủ thương hiệu xác định mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp. Bằng việc thiết lập kế hoạch thu nhập, chi phí và đầu tư, chủ thương hiệu có thể theo dõi sự phát triển của doanh nghiệp và đưa ra các quyết định chiến lược. Khi lập kế hoạch tài chính cần lập kế hoạch dự toán cho doanh nghiệp. Dự toán này bao gồm các khoản chi như sản xuất sản phẩm, marketing, quản lý kho hàng và nhân viên, cũng như các nguồn thu từ doanh số bán hàng và dịch vụ. 

Tất nhiên, tùy theo thời gian phát triển và những biến động của thị trường, việc triển khai kế hoạch tài chính thường cần có sự điều chỉnh khi cần thiết để duy trì sự linh hoạt và phù hợp với môi trường kinh doanh.

Tóm lại, để thành công trong ngành thời trang, chủ thương hiệu cần có những kỹ năng tài chính như quản lý nguồn vốn, phân tích dữ liệu, quản lý rủi ro, kiểm soát chi phí và lập kế hoạch tài chính. Những kỹ năng này sẽ giúp họ đưa ra các quyết định thông minh và duy trì sự ổn định tài chính cho doanh nghiệp của mình. Đây là những kiến thức và kỹ năng cần có với những đang làm chủ và vận hành một thương hiệu thời trang. 

Thực hiện: Hoàng Khôi