[The Education Series] Lê Minh: “Thế giới quan của bạn là điều không ai copy được”

Ngày đăng: 19/11/21

Nhân ngày 20.11, Style-Republik thực hiện chuỗi bài trò chuyện cùng những nhà nghiên cứu, giáo dục thời trang về hành trình xây dựng môi trường giảng dạy thời trang chuyên nghiệp và bài bản ở Việt Nam. Tiếp nối series The Education, Style-Republik đưa bạn gặp gỡ anh Lê Minh – Nhà sáng lập Class12, một môi trường giảng dạy thời trang uy tín tại Việt Nam.

Được biết đến với vai trò đồng giám đốc sáng tạo (GĐST) thương hiệu cao cấp Rue des Chats (giai đoạn 2011 – 2016), GĐST thương hiệu EMIGO của Vingroup, sau đó làm việc với các thương hiệu ở đa dạng phân khúc như Tủ Nhà Mây, Anti Hero, Up to Second, May Signature, Lemonade,.. và mới nhất là Gentle Studios, anh Lê Minh luôn đóng vai trò quan trọng là người tạo dựng tính cách, linh hồn và xây dựng những phẩm chất quan trọng trong việc định vị các thương hiệu thời trang. Cùng Style-Republik gặp gỡ và trò chuyện cùng anh Lê Minh để hiểu hơn về hành trình chia sẻ vốn kinh nghiệm lâu năm của anh dành cho các thế hệ thời trang kế nhiệm.

Anh Lê Minh – Nhà sáng lập Class12

Được biết anh Lê Minh là nhà sáng lập Class12 chuyên giảng dạy và chia sẻ các kiến thức về thời trang và trước đó, anh cũng điều hành các thương hiệu thời trang như Rue Des Chats, Tủ nhà Mây… Cơ duyên nào đã đưa anh đến với con đường giáo dục thời trang?

Công việc giảng dạy và chia sẻ ban đầu xuất phát từ nhu cầu cá nhân, mình là người thích học và nghiên cứu, tuy nhiên để kiến thức phát triển cần thêm phản biện và ứng dụng. Rất may mắn, lớp học của mình khởi đầu bằng việc hệ thống kiến thức cho những người bạn đã kinh doanh thời trang lâu năm – được mọi người ủng hộ và truyền miệng về lớp học đã giúp mình phát triển lớp hơn 3 năm, tiếp xúc với gần 400 thương hiệu thời trang nội địa. Thông qua việc chia sẻ, mình bắt nhịp được với nhu cầu của thực tế để hiểu thứ gì đã lỗi thời, thứ gì sẽ là tương lai. Từ đó trở thành nền tảng nội dung của việc giảng dạy chính thức đưa tới các bạn

Class12 không định hướng như trường học hay học viện, giống như các lớp học phụ đạo, mình dành cho các bạn muốn tìm hiểu những kiến thức nền tảng và kinh nghiệm thực tế, quỹ thời gian ít và không phù hợp với các khoá học chính thống.

Những bạn khởi nghiệp trái ngành hay từ chuyên ngành thiết kế, khi bắt đầu va vấp thực tế sẽ gặp nhiều khúc mắc, khi này sẽ cần một nơi có trải nghiệm đủ rộng và thực tiễn trong kinh doanh (thương hiệu, sản phẩm, hình ảnh, tài chính, quản lý vận hành), giúp các bạn tự tin ra quyết định cũng như cẩn trọng trước những ý muốn táo bạo. Đây là lý do Class12 hình thành.

Tại sao giáo dục thời trang ở Việt Nam là cần thiết và càng trở nên cấp bách hơn ở thời điểm hiện tại?

Sản phẩm thời trang có thể dưới dạng quần áo, phụ kiện hay mỹ phẩm, trang trí nhà ở, tuy được xếp vào mặt hàng không thiết yếu, nhưng giống với các yếu tố nghệ thuật khác, thời trang luôn tồn tại một cách hiển nhiên như sự phản ánh lại đời sống tinh thần của xã hội, tại thị trường nội địa ngành may mặc đã có mặt khá lâu dưới hình thức tiệm may hay shop bán đồ thiết kế, shop bán đồ nhập, các công ty dệt may.

Theo đó, khi đời sống phát triển, nhu cầu về mặc và sử dụng sản phẩm thời trang sẽ tăng cao, kéo theo một bộ phận lớn người muốn kinh doanh thời trang và phát sinh nhu cầu học thời trang. Động cơ từ mục tiêu kinh doanh này khiến thời trang Việt Nam nhiều năm qua phát triển bề nổi, nhiều thương hiệu mở ra, nhiều NTK mới xuất hiện nhưng gắn với mục đích kinh doanh, nên khi nhìn lại, thực sự rất ít thương hiệu có thể bước ra toàn cầu và đại diện cho thời trang Việt Nam. Cùng với đó, cạnh tranh nội địa nhiều hơn, các thương hiệu phát triển vì lợi nhuận sẽ khiến giá trị cốt lõi mờ nhạt, dẫn tới việc tập trung cạnh tranh về giá và lâu dài khiến chất lượng sản phẩm và phẩm chất thương hiệu cùng nhau đi xuống.

Giáo dục có thể giải quyết vấn đề này, khi thời trang không chỉ là ngành nghề phù phiếm, giáo dục thời trang bài bản sẽ giúp các bạn có cái nhìn chuẩn mực về công việc trong ngành thời trang. Nếu để ý bạn sẽ thấy các ngành học khác đều có quy tắc ứng xử hay đạo đức nghề nghiệp (Code of Conduct), thì ngành thời trang hiện giờ ít ai biết được chúng ta cần phải làm gì để phù hợp trách nhiệm và vai trò của người làm thời trang. Liệu kinh doanh thời trang chỉ vì tài chính hay còn nhiều giá trị khác nữa cần quan tâm, trách nhiệm với xã hội, người lao động, trách nhiệm với sáng tạo và lòng tự trọng của người làm sản phẩm – thiếu đi quy tắc ứng xử trong ngành, thật khó để trách ai mỗi khi có sai sót (và lặp lại sai sót).

Mong muốn của anh khi chọn chia sẻ và giảng dạy các kiến thức về thời trang cho cộng đồng ở Việt Nam là gì?

Việc giảng dạy kết hợp thực tiễn trên nền tảng lý thuyết giúp các bạn học hiểu sâu và cặn kẽ các vấn đề trong ngành. Đây cũng là mong muốn của mình, làm sao qua mỗi lớp học, các bạn được hệ thống được khung kiến thức, làm tham chiếu cho các quyết định sau này, học xong giúp cái nhìn về ngành sẽ rộng rãi, thông thoáng hơn, hiểu biết có cơ sở hơn, không còn phải cóp nhặt kiến thức không rõ thực chứng. Quan trọng nhất mình nghĩ khi đã hiểu tường tận, các bạn sẽ yêu công việc của mình hơn, đồng thời cũng cẩn trọng hơn khi xây dựng thương hiệu. Cũng cần lưu ý, đối tượng giáo dục thời trang tại Việt Nam rất đa dạng, bên cạnh nhóm sinh viên thiết kế, phần đông nằm ở những người trái ngành, tay ngang khởi nghiệp hay những người muốn đầu tư vào thời trang. Nên vai trò của mình giống như người chuẩn bị bước đệm cho các bạn kinh doanh thật bài bản và tử tế, tránh những thủ thuật thúc đẩy doanh thu mà quên đi mục tiêu dài hạn của thương hiệu.

Kinh doanh thời trang nếu chỉ dựa vào thực chiến sẽ đạt mục tiêu ngắn hạn, môi trường xã hội càng nhiều biến động, người học thời trang hay kinh doanh thời trang càng cần một nền tảng kiến thức chắc chắn dẫn đường. Thực chiến đúc kết trên kinh nghiệm của người đi trước, và chỉ hiệu quả khi áp dụng đúng bối cảnh, nếu có kiến thức nền tảng vững vàng sẽ đúc rút được nhiều bài học từ kinh nghiệm và linh hoạt trong xử lý công việc sau này.

Còn với cá nhân, mình mong muốn các bạn suy nghĩ kỹ trước khi kinh doanh thời trang hay kinh doanh quần áo, dù làm theo hướng đi nào, sau mỗi lớp học mong các bạn có thêm cảm hứng cho công việc của mình.

Anh có nhận xét gì về sự phát triển của thời trang Việt Nam cũng như tiềm năng của lớp trẻ kế nhiệm?

Thời trang Việt Nam trong 4,5 năm gần đây tuy không xuất hiện nhà thiết kế nào sáng chói như những năm của các bạn Lâm Gia Khang, Hoàng Tú, Đặng Hải Yến. Nhưng lại ghi nhận những thương hiệu thú vị như Môi Điên của Tom Trandt, Seeson Studios, Một Đôi Giày… – những thương hiệu xuất phát từ ý tưởng sản phẩm phù hợp với xu hướng thời đại: tích cực, lành mạnh, cùng định hướng phát triển bền vững rõ nét.

Các thương hiệu hình thành trong vòng 10 năm qua bắt đầu xây dựng những chuẩn mực riêng về sản phẩm như Wephobia, Xéo Xọ, Kilomet109,… Cùng với đó là sự đi xuống của nhiều thương hiệu tiềm năng đã có mặt trong giai đoạn 2011 – 2015 vì đại dịch covid như cú huých lớn khiến nhiều bạn phải sớm dừng hành trình kinh doanh của mình. Điều này vô cùng đáng tiếc nhưng cũng là hệ quả của việc phát triển không chú trọng vào đổi mới, thương hiệu mất đi các yếu tố thú vị cùng sự quan tâm của khách hàng.

Các thương hiệu đã đạt được sự ổn định để vượt qua đại dịch luôn có nhiều năng lượng tích cực. Các bạn Founder hiểu rõ thế mạnh của mình để không chạy theo xu hướng nhưng vẫn có nhiều sáng tạo trên nền tảng phong cách đặc trưng của thương hiệu, đi cùng với các thông điệp thể hiện trách nhiệm xã hội hay truyền cảm hứng phong cách cho người dùng. Đây là điều những bạn trẻ nên quan tâm và học hỏi. Bởi thời trang tuy thay đổi nhanh, nhưng người làm luôn cần tỉnh táo để không cuốn theo doanh thu và yếu tố xu hướng quá nhiều, sau cùng mình đang làm gì, đại diện cho những giá trị gì, khách hàng yêu mến và gắn bó với thương hiệu bởi điều gì?

Trong thế hệ những người làm thời trang trong 3 năm trở lại đây, đã xuất hiện nhiều cách tiếp cận mới thay cho xuất phát điểm là NTK. Từ rất nhiều ngành nghề, công việc khác nhau, các bạn đến với thời trang và tạo nên sự đa dạng cần thiết cho người tiêu dùng, một phần nào đó đã thay đổi hành vi và cách ăn mặc của bộ phận khách hàng trẻ. Thay cho xu hướng, rất nhiều thương hiệu đề cao giá trị địa phương, giá trị xanh hay đưa lối sống tích cực vào trong thương hiệu của mình, chưa bao giờ thời trang Việt Nam đa dạng về mặt ý tưởng thương hiệu như lúc này. Cái các bạn cần là giữ được chất riêng của thương hiệu, tích luỹ theo năm tháng để tạo nên chỗ đứng trong tâm trí khách hàng.

Anh nhận thấy kinh doanh thời trang ở Việt Nam có thuận lợi và khó khăn gì? 

Dù tiếp cận ở nhiều phương diện khác nhau, nhưng thời trang vẫn cần dựa trên nền tảng sản phẩm để phát triển. Các yếu tố về kỹ thuật, phom dáng, xử lý những chi tiết không phải việc quá khó, nhưng phụ thuộc vào nguyên liệu, vải, phụ liệu là khó khăn lớn mà không phải giờ đây chúng ta mới gặp. Việc hạn chế trong việc phát triển nguyên liệu từ nội địa là rào cản khiến thời trang Việt Nam không thể đi nhanh. Phần lớn các thương hiệu nhỏ vẫn sử dụng chung các nguồn nhập tiểu ngạch từ các chợ đầu mối, thương hiệu lớn hơn có khả năng nhập số lượng nhiều nhưng nguồn cung nội địa không đáp ứng được sự đa dạng.

Ngoài yếu tố đầu vào nguyên liệu, giới hạn để thời trang Việt Nam phát triển cũng đến từ việc thiếu đi những hiệp hội thời trang uy tín để xây dựng tiêu chuẩn ngành hàng. Ví dụ muốn xác định thị trường mục tiêu tại Việt Nam rất khó, khi chưa có tiêu chuẩn về giá và chất lượng mỗi ngành hàng, thế nào là hàng cao cấp, thế nào là hàng bình dân, thế nào là hàng đại trà. Điều này cũng dễ hiểu vì chúng ta chưa có ngành công nghiệp thời trang, các tiêu chuẩn trong ngành chưa hình thành, đa phần các bạn đều phát triển theo kinh nghiệm và thói quen của người đi trước. Việc các thương hiệu nước ngoài mở rộng tại Việt Nam ít nhiều cũng tạo nên các thước đo cho khách hàng để đối chiếu với thương hiệu Việt.

Về thuận lợi, mình thấy rằng rất ít nơi ai cũng có thể mở thương hiệu, mở cửa hàng, mở rộng điểm bán nhanh và nhiều như Việt Nam. Giá gia công rẻ, mặt bằng linh hoạt, lựa chọn của khách hàng không nhất quán, dễ bị tác động bởi truyền thông. Những thuận lợi này không mang tính bền vững, bởi mình sẽ thật sự kinh doanh thời trang lâu dài khi có các nguồn lực về nguyên liệu, nhân sự, công nghệ sản xuất và các chính sách hỗ trợ nhà thiết kế cá nhân xây dựng sự nghiệp.

Giáo dục thời trang ở Việt Nam đang thiếu và cần cải thiện những điều gì?

Việc giáo dục ưu tiên đào tạo về kỹ thuật khiến thị trường mất cân bằng về nhân lực lao động trong ngành, có rất nhiều chuyên viên thiết kế nhưng thiếu các vị trí trong các bộ phận Marketing, Sale, Merchandise,… không có nhân sự đủ ở các chuyên ngành trọng yếu, giống như minh hoạ về nguyên lý chiếc thùng gỗ, sức chứa phụ thuộc vào chiều dài thanh ngắn nhất. Còn ở đây, mỗi chuyên ngành vẫn là những thanh gỗ ngắn, một thanh gỗ Fashion Designer cao không giải quyết được việc phát triển nền thời trang nói chung. Thời trang là ngành công nghiệp đặc thù và khắt khe về thẩm mỹ, việc sử dụng nhân sự từ ngành hàng bán lẻ khác quy về thời trang là thiệt thòi với các chủ doanh nghiệp.

Rất may mắn những năm gần đây nhiều trường học thời trang đã mở rộng đủ các ngành học của mình, hy vọng sẽ tiếp tục phát triển để đáp ứng đủ nhân lực phát triển cho ngành thời trang.

Sắp tới, anh có kế hoạch gì trong việc đóng góp vào sự phát triển và cải thiện của giáo dục thời trang ở Việt Nam?

Mình chưa dám nhận là người làm giáo dục thời trang chính thống để nghĩ tới việc cải thiện một hệ thống. Phần đóng góp của mình rất nhỏ so với việc phát triển cả một nền giáo dục. Chỉ mong là người chia sẻ kinh nghiệm và phụ đạo, cho các bạn cái nhìn thực tế hơn về những gì diễn ra trong ngành ở quy mô nhỏ. Hy vọng có thể trở thành chỗ dựa cho các bạn khi cần tham vấn về thất bại hay trước mỗi quyết định quan trọng.

Lời khuyên anh dành cho những bạn trẻ đang nung nấu ý định kinh doanh thời trang ở Việt Nam là gì?

Dành nhiều thời gian cho việc mở rộng kiến thức lịch sử, văn hoá, mỹ thuật trước khi chú trọng vào các kiến thức quản trị (tài chính, kinh doanh,..). Bởi một tâm hồn phong phú là cơ sở để xây dựng một thương hiệu có chiều sâu, thế giới quan của bạn là điều không ai copy được.

Cẩn trọng từ bước đi đầu tiên, tránh suy nghĩ chấp nhận lỗ ngắn hạn để đổi lấy lợi nhuận sau này – điều mình luôn nhắc nhở các bạn trước khi kinh doanh bởi đây cũng là bài học xương máu của mình khi khởi nghiệp trong hứng khởi.

Cám ơn anh Lê Minh vì những chia sẻ vô cùng tâm huyết!


Thực hiện: Mỹ Đỗ