Thương mại điện tử – vùng đất “màu mỡ” dành cho lĩnh vực thời trang thiết kế?

Ngày đăng: 08/09/23

Gây ấn tượng với mức tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc trong những năm trở lại đây, thương mại điện tử nói chung và thương mại điện tử thời trang nói riêng được các chuyên gia nhận định là vùng đất “màu mỡ” với nhiều tiềm năng cũng như cơ hội phát triển dành cho các thương thời trang lớn, vừa và nhỏ, đặc biệt là với những bạn trẻ đang ấp ủ ý định thành lập một thương hiệu riêng cho mình.

Cùng Style-Republik tìm hiểu những điểm sáng mà các sàn thương mại điện tử đã đem đến cho lĩnh vực thời trang nhé!

Nhìn lại sức ảnh hưởng của thương mại điện tử với lĩnh vực thời trang

Trở lại với năm 2020, khi các thương hiệu thời trang phải đối diện với một loạt bài toán khó nhằn như: các tác động từ rào cản của chuỗi cung ứng bị ngắt quãng, mặt tiền cửa hàng bị đóng cửa hay buộc phải thay đổi các chiến lược kinh doanh và hoạt động phân phối bởi tác động của đại dịch. Thương mại điện tử đã xuất hiện và trở thành “phao cứu sinh” cho không chỉ các thương hiệu thời trang nội địa, mà của những nhãn hàng xa xỉ. Kể từ đó đến nay, thương mại điện tử đã trở thành mô hình kinh doanh không thể thiếu mà các thương hiệu thời trang cần áp dụng, hơn cả việc giúp doanh nghiệp tồn tại trong đại dịch Covid-19, thương mại điện tử thời trang còn giúp các thương hiệu thời trang thích nghi với sự thay đổi của người tiêu dùng, tạo lợi thế cạnh tranh, giữ vững vị trí và bứt phá trong tương lai.

(Ảnh: Courtesy of Gucci)

Tiềm năng của thương mại điện tử trong thời trang

Báo cáo đến từ Statista cho thấy, ước tính từ năm 2017 đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của ngành thương mại điện tử thời trang sẽ tăng 14,2% và đạt giá trị 1.000 tỷ USD vào năm 2025. Ngoài ra, Statista cũng nhận định, tỷ lệ thâm nhập thương mại điện tử trong ngành thời trang trên toàn thế giới dự kiến sẽ đạt được 50% vào cuối năm nay. Chỉ như vậy thôi cũng đủ để thấy được sức ảnh hưởng to lớn của thương mại điện tử trên thị trường kinh doanh nói chung và lĩnh vực thời trang nói riêng.

Có thể nói, sự xuất hiện của thương mại điện tử đã hiện thực hóa giấc mơ xây dựng doanh nghiệp, thương hiệu riêng với chi phí thấp của những người đam mê thời trang và các nhà thiết kế thời trang trẻ trong thời gian vừa qua. Hơn thế nữa, thương mại điện tử thời trang còn góp một phần không nhỏ trong việc khôi phục kinh tế của các nước sau đại dịch, đặc biệt là tại Việt Nam – một thị trường có dân số trẻ đầy tiềm năng, nơi có nhu cầu về thời trang và phong cách sống đa dạng. Khi thống kê từ VnEconomy cho thấy, năm 2023, lĩnh vực thời trang đã vượt mặt ngành thực phẩm để trở thành trụ cột chính của ngành thương mại điện tử với tỷ lệ áp đảo là 76%.

Doanh thu vượt trội của Thương mại điện tử năm 2018 – 2023 tại Việt Nam. (Ảnh: VnEconomy)

Là trang thương mại điện tử được xem như “đế chế” trong lĩnh vực thời trang khi sở hữu mức định giá lên đến 100 tỷ USD – hơn cả giá trị của Zara (69 tỷ USD) và H&M (23 tỷ USD) cộng lại, Shein là một minh chứng rõ nét cho việc ứng dụng thương mại điện tử để làm bàn đạp tiến tới chiếm lĩnh thị phần trong lĩnh vực thời trang. Sau khi thành công ứng dụng các yếu tố công nghệ để tiếp cận đúng và chính xác phân khúc khách hàng, Shein xây dựng hệ thống thương mại điện tử từ website đến mobile app nhắm đến các thị trường nước ngoài như châu Âu, châu Mỹ, Úc, Trung Đông với mục đích mang lại trải nghiệm mua sắm liền mạch cho khách hàng. Tiếp đó, ứng dụng mua sắm đến từ Trung Quốc này tăng độ phủ và tương tác cho thương hiệu bằng cách đẩy mạnh các chiến lược Social Commerce, Ecommerce Marketing, Affiliate Marketing, KOC,…

Shein – minh chứng rõ nét cho việc ứng dụng thương mại điện tử để làm bàn đạp tiến tới chiếm lĩnh thị phần trong lĩnh vực thời trang (Ảnh: Reuters)

Sự phát triển của thương hiệu thời trang nam Coolmate cũng là một minh chứng rõ nét cho sức ảnh hưởng to lớn của thương mại điện tử tại thị trường Việt. Không chỉ gây ấn tượng với màn gọi vốn thần tốc khi thành công chốt deal cùng Shark Nguyễn Hòa Bình với con số lên đến 500.000 USD. Thương hiệu này còn tiên phong áp dụng mô hình Direct to Customer Ecommerce (D2C Ecommerce), đầu tư tập trung xây dựng website thương mại điện tử riêng để mang đến trải nghiệm mua sắm tiện lợi và tiết kiệm cho khách hàng. Cùng với đó là kết hợp vận dụng triệt để chiến lược Ecommerce Marketing, Affiliate Marketing, Email Marketing,.. để triển khai thương mại điện tử nhanh hơn. Có thể thấy, thương mại điện tử đã cho thấy sức ảnh hưởng to lớn của mình khi đóng góp một phần không nhỏ cho sự thành công của Coolmate – startup thời trang dành cho nam giới và làm tiền đề cho các doanh nghiệp ngành thời trang noi theo để phát triển đúng với xu hướng kinh doanh của thị trường hiện nay. 

Thương hiệu thời trang nam Coolmate cũng là một minh chứng rõ nét cho sức ảnh hưởng to lớn của thương mại điện tử tại thị trường Việt. (Ảnh: Coolmate)
Chú trọng vào việc tối ưu hóa thương mại điện tử ngay từ những ngày đầu, hiện hơn 80% đơn hàng của Coolmate đến từ website. (Ảnh: Coolmate)

Thương mại điện tử liệu có phải mảnh đất màu mỡ cho các thương hiệu thời trang nội địa khi mới bắt đầu?

Nắm bắt và nhận thấy những điểm sáng của thương mại điện tử thời trang, nhiều Local Brands đã và đang bắt tay vào việc xây dựng những chiến lược kinh doanh phù hợp giúp thương hiệu của mình đứng vững trên “mảnh đất màu mỡ” này:

Mở rộng thị trường kinh doanh

Thương mại điện tử cho phép doanh nghiệp tiếp cận với một lượng khách hàng tiềm năng rộng lớn trên toàn thế giới. Việc có một trang web bán hàng hoặc sử dụng các nền tảng thương mại điện tử như Amazon, eBay, Lazada, Shopee giúp doanh nghiệp thu hút được khách hàng từ khắp mọi nơi và tăng doanh số bán hàng. Đồng thời, thương mại điện tử còn là kênh tiếp cận phổ biến đến người tiêu dùng, đặc biệt là lĩnh vực thời trang nhanh cho nữ. Sự hiện diện của thương mại điện tử cũng khiến các hoạt động Marketing như livestream, shoppertainment, affiliate diễn ra mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Từ đó, góp phần giúp các thương hiệu mở rộng phạm vi kinh doanh của mình.

(Ảnh: Free People)

Tiết kiệm chi phí

Bên cạnh việc giảm thiểu chi phí vận hành so với việc mở cửa hàng truyền thống, triển khai thương mại điện tử thời trang còn giúp các thương hiệu tiết kiệm được các chi phí liên quan đến mặt bằng, nhân sự và các dịch vụ liên quan. Không những thế, thương mại điện tử còn cho phép các doanh nghiệp tham gia vào thị trường cạnh tranh, trực tiếp cung cấp sản phẩm đến cho khách hàng. Từ đó, giúp doanh nghiệp tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ và tăng doanh số bán hàng.

Thương mại điện tử giúp các thương hiệu giải quyết bài toán chi phí về mặt bằng, nhân sự. (Ảnh: Dior)

Tăng khả năng tiếp cận thông tin khách hàng 

Thương mại điện tử cho phép doanh nghiệp thu thập thông tin khách hàng một cách dễ dàng và nhanh chóng. Thông qua việc giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về nhu cầu và sở thích của khách hàng, để tạo ra các chiến lược kinh doanh hiệu quả cũng như tăng khả năng tương tác với khách hàng.

Ngoài ra, khi kinh doanh thời trang trên các sàn thương mại điện tử, khách hàng có thể dễ dàng tìm hiểu về sản phẩm dựa trên đánh giá của những người dùng khác, giúp các thương hiệu xây dựng một hình ảnh chỉn chu, chuyên nghiệp. Hơn nữa, điều này còn giúp tăng độ tin cậy và khả năng thu hút khách hàng.

(Ảnh: Getty Images)

 

 

 

 

Bên cạnh những điểm sáng về lợi nhuận và cơ hội, song khi bắt đầu kinh doanh thời trang trên các sàn thương mại điện tử, những thương hiệu cũng cần phải chú ý và cân nhắc về một số bất lợi như: rủi ro về bảo mật thông tin và mất cắp dữ liệu, khó khăn trong việc xây dựng lòng tin với khách hàng và sự cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu và nhãn hàng trong quá trình kinh doanh.

Sau tất cả, dường như ngành công nghiệp mặc đẹp không thể và cũng chẳng thể quay trở lại con đường kinh doanh cũ. Đã đến lúc các thương hiệu thời trang lớn, vừa và nhỏ chấp nhận thực tế, nắm bắt xu hướng kinh doanh tất yếu và bắt đầu những bước tiến tới tương lai số hóa, hướng tới “mảnh đất màu mỡ” mang tên thương mại điện tử. Song, làm thế nào để đứng vững trước làn sóng cạnh tranh mạnh mẽ tại các sàn thương mại điện tử lại là câu hỏi khiến nhiều thương hiệu nội địa trăn trở ở thời điểm hiện tại. Vì vậy, việc xây dựng một chiến lược kinh doanh phù hợp trên các sàn thương mại điện tử không chỉ là điều cần thiết, mà đó còn là chìa khóa then chốt giúp thương hiệu của bạn khai phá những cơ hội về lợi nhuận cũng như tiềm năng tiến xa hơn ở các thị trường quốc tế. 

Thực hiện: Khánh Hoà


Style-Republik phối hợp cùng SR Fashion Business School đã đem SR Fashion Business Talk quay trở lại với Episode 17 cùng chủ đề: “Chiến lược cạnh tranh cho các Local Brands trên sàn thương mại điện tử” dành cho các chủ thương hiệu Việt, các bạn trẻ có ý định khởi nghiệp cũng như cộng đồng yêu thích và ủng hộ thời trang nội địa.

Đăng kí ngay: https://www.eventbrite.com/e/713518682587?aff=oddtdtcreator

Đến với SR Fashion Business Talk Ep.17 “Chiến lược cạnh tranh cho các local brands trên sàn thương mại điện tử” lần này, bạn cũng sẽ có cơ hội nhận được những set quà tặng đầy hấp dẫn nằm trong BST son mới nhất đến từ Thương hiệu mỹ phẩm OFÉLIA.