Tiêu chí cho mỹ phẩm ngày nay: Bao bì xanh, thành phần sạch và tái sử dụng được
Ngày đăng: 23/06/21
Ngành công nghiệp làm đẹp đã không ngừng phát triển trong hàng thập kỷ qua, không chỉ hướng đến sự tự do và đa dạng. Mà những thương hiệu làm đẹp cũng tiến tới những sản phẩm xanh, sạch và thân thiện hơn với môi trường xung quanh.
Hằng năm, có hơn 120 triệu vỏ bao bì mỹ phẩm trở thành rác thải xả ra đại đương. Đa phần chúng không thể tự động phân huỷ sinh học. Vì thế, nếu là một người tiêu dùng tôn trọng hệ sinh thái tự nhiên, bạn có thể chọn lựa các sản phẩm được làm ra theo cách thân thiện hơn với môi trường sống của chúng ta. Sau đây là vài lời khuyên nho nhỏ trong việc chọn mua mỹ phẩm dành cho bạn và vài lời giới thiệu về các sản phẩm đã chú trọng xanh hoá vì môi trường.
Bao bì có “trách nhiệm”
Xà phòng tắm đã đi từ những viên xà phòng thành những chai sữa tắm với những lời quảng bá hoa mỹ kèm theo, như giúp dưỡng da trắng sáng, dưỡng ẩm hay mang theo mùi hương thơm ngát. Nhưng đi cùng với đó là hàng loạt vỏ chai (đa số làm từ nhựa). Dầu gội hay kem xả cũng thế. Bạn có biết, thành phần chiếm nhiều nhất trong dầu gội và sữa tắm là gì không? Là nước. Chỉ là nước.
Vậy tại sao không cô đặc chúng để tiết kiệm vỏ chai đựng? “Waterless beauty” – Mỹ phẩm làm đẹp không chứa nước dần lên ngôi. Trong vài năm trở lại đây, những tập đoàn mỹ phẩm lớn như L’Oréal, Unilever và Procter & Gamble đang tìm cách để loại bỏ nước ra khỏi những sản phẩm của họ. L’Oreal đã cam kết giảm mức tiêu thụ nước xuống 60% (trên mỗi sản phẩm) vào năm tới. Song song đó, những thương hiệu khác cũng đang tìm cách loại bỏ thành phần nước ra khỏi sản phẩm của mình, thay bằng những thành phần tự nhiên hay dầu dưỡng để hạn chế tối đa chất bảo quản. Nhiều thương hiệu mỹ phẩm startup chọn chiến lược kinh doanh và phát triển lấy dòng sản phẩm ‘waterless beauty’ làm chủ đạo.
Không chỉ ở dòng chăm sóc da, các sản phẩm làm đẹp cũng cố gắng giảm rác thải. Hoặc là sử dụng những sản phẩm có bao bì có thể tự phân huỷ, hoặc là thiết kế vỏ chai, vật đựng có thể tái sử dụng nhiều lần.
L’Occitane có thể đã bắt đầu cuộc cách mạng vào năm 2008 với các loại túi có thể nạp đầy – sử dụng ít nhựa hơn 90% so với các loại chai thông thường – nhưng phong trào này đã đi một chặng đường dài mà ngay cả những tên tuổi lớn nhất trong ngành cũng đã bắt kịp. Ví dụ, Hermès và Dior Beauty có những thỏi son môi có thể refill khi giữa lại vỏ đựng, trong khi MAC và NARS cũng khuyến khích khách hàng tái sử dụng các vỏ hộp phấn mắt.
Hướng dẫn tái sử dụng vỏ chai nước hoa của Dior
Ngành nước hoa cũng vậy, Le Labo có những chai nước hoa hoàn toàn có thể tái sử dụng ở lần mua tiếp theo. Chanel cũng thực hiện tương tự với mẫu nước hoa No.5 kinh điển khi bạn đem mẫu lọ này đến cửa hàng.
Những thương hiệu cho phép khách refill còn có HERA, Sulwhasoo, Tata Harper, Fenty Skin… và trong tương lai chắc chắn danh sách này sẽ không ngừng phát triển.
Thành phần bền vững
Đã có nhiều cuộc tranh luận lâu đời về các thành phần mỹ phẩm, trong đó nổi bật là microbeads (vi nhựa). Với kích thước siêu nhỏ, chúng đã tạo ra một vấn đề lớn đối với các hệ sinh thái biển và ở một số quốc gia phát triển, chúng đã bị cấm hoàn toàn trong ngành mỹ phẩm.
Vi nhựa có trong thành phần polyvinylpyrrolidone (hoặc PVP), một loại polymer hòa tan trong nước có hại cho đời sống thủy sinh. Mascara, son môi và kem nền là một trong những sản phẩm có sự hiện diện cao nhất của vi nhựa, điều mà ít người biết.
Các thương hiệu như La Bouche Rouge Paris đang ủng hộ tiêu chí không thành phần vi nhựa bằng cách loại bỏ nó trong tất cả các công thức của họ. Biossance – một thương hiệu làm đẹp sạch được hỗ trợ bởi công nghệ sinh học – đã không chỉ đạt được quy trình vận chuyển trung tính carbon bằng cách trồng cây và tài trợ cho các dự án đặt trước cho mỗi đơn hàng được giao, mà còn đổi squalene từ gan cá mập lấy squalane – một chất có nguồn gốc từ mía để thay thế.
Glossier kết hợp các thành phần như bột tre có thể phân hủy sinh học hoàn toàn trong sản phẩm tẩy tế bào chết của mình, cũng đã đi xa hơn bằng cách ngừng sản phẩm nổi tiếng của mình, Glitter Gelée, cho đến khi họ tìm thấy một giải pháp thay thế thân thiện cho thành phần tạo bộ lóng lánh của sản phẩm.
Tái sử dụng, không vứt bỏ
Trong quy trình dưỡng da của chúng ta thường cần các dụng cụ như tăm bông và bông tẩy trang. Tuy nhiên, thói quen chăm sóc da không dùng bông có thể giúp ích rất nhiều cho môi trường.
Để tạo ra các sản phẩm cotton như áo phông và bông tẩy trang cần phải có rất nhiều nước. Theo WWF, lượng nước cần thiết để tạo ra 1kg bông bằng lượng nước mà một người sẽ uống trong 3 năm. Ngoài ra còn có tác động đến môi trường khi thuốc trừ sâu được sử dụng tại các đồn điền bông, ảnh hưởng đến động vật hoang dã bản địa và những người sống gần các địa điểm này. Bông thông thường cũng không phân hủy sinh học do quá trình tẩy trắng và trộn các chất khác, cuối cùng chúng chỉ có thể bị chôn lấp.
Các thương hiệu như LastObject đem đến các loại bông tẩy trang có thể tái sử dụng. Chúng có thể dễ dàng rửa sạch bằng nước và xà phòng để sử dụng lại. Một gói có thể sử dụng 1.750 lần và được đóng gói trong hộp sinh học để đảm bảo vệ sinh và tiện lợi.
Bên cạnh đó, còn có Hydrapuff được làm từ bột giấy nén, có nguồn gốc thực vật và rayon – một loại sợi được sản xuất mô phỏng kết cấu của bông. Chúng có thể phân hủy sinh học, trong khi bao bì có thể tái chế hoàn toàn.
Tại Việt Nam, bạn cũng có thể đặt mua các sản phẩm kể trên trên các trang trực tuyến, hoặc mua mỹ phẩm dạng dầu gội, sữa tắm bán theo ml với chai dựng mang theo tại các cửa hàng như của Lại Đây Refill Station, The Organik House, Tạp Hoá Lá Xanh, Zero Waste Hanoi,…
Thực hiện: Koi
Theo Asia Lifestyle