“Cuộc chinh phục” đất Mỹ của các nền tảng E-commerce Trung Quốc: TikTok, Temu & Shein

Ngày đăng: 03/10/23

TikTok Shop mở rộng quy mô tại 12 nền kinh tế khác nhau trên thế giới sau thời kì bùng nổ của nền tảng video ngắn – TikTok. Điều này vừa tạo ra cơ hội tiềm năng vừa mang đến thách thức cho thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến dự đoán rằng TikTok Shop có thể sẽ “nối gót” chiến lược kinh doanh gây tranh cãi của Shein và phải chịu áp lực cạnh tranh từ Temu tại Mỹ.

Nhưng sự thật là như thế nào? Hãy cùng Style-Republik khám phá bức tranh toàn cảnh này ở bài viết dưới đây. 

Bước thâm nhập “địa bàn” quốc tế của TikTok 

Nếu như Douyin là một nền tảng video ngắn dành cho “địa hạt” nội địa thì TikTok là “người anh em sinh sau đẻ muộn” đã đạt được lượt người tải xuống kỷ lục. Năm 2021, gã khổng lồ công nghệ ấy đã chính thức hợp tác với Shopify và cho ra mắt các cửa hàng trực tuyến đầu tiên trên TikTok Shop.

Đồng thời, công ty còn giới thiệu hệ thống thanh toán kỹ thuật số của riêng mình mang tên Douyin Pay. Năm 2022, nhánh thương mại điện tử của nền tảng này đã thu về hơn 208 tỷ USD doanh thu và chạm mốc 76% mức tăng trưởng so với năm trước.

Màn kết hợp giữa Shopify và TikTok đã cho ra mắt TikTok Shop để mở rộng sang mảng thương mại điện tử

Do đó, công ty mẹ của TikTok – ByteDance đã bắt đầu thực thi kế hoạch “thâu tóm” thị trường toàn cầu sau khoảng thời gian “ấp ủ” từ lâu khi biết được TikTok đã đạt được những thành công như thế. Và 12 quốc gia mới góp mặt trong danh sách này đến từ Brazil, Úc, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, New Zealand,… TikTok Shop như một chiếc cầu “trung gian” giúp các thương hiệu có thể dễ dàng tiếp cận những người tiêu dùng trẻ tuổi theo cách mới mẻ, nhanh chóng và hấp dẫn. 

Khả năng cung cấp trải nghiệm chất lượng cao cho người mua và người bán là chiến lược thu hút khách hàng của họ trong thời đại kỹ thuật số với cộng đồng người dùng hơn 600 triệu người truy cập mỗi ngày. Họ đã “mượn” sức mạnh của AI để hiểu rõ thói quen xem video và nhu cầu mua sắm của khách hàng, thứ được ví như là tầm nhìn về thương mại điện tử dựa trên sở thích của gã khổng lồ ByteDance. 

Họ đã điều chỉnh những nội dung phù hợp với mỗi người tiêu dùng để có thể thúc đẩy hành trình khám phá, cân nhắc và mua hàng. Kết quả cho ra rằng khi khám phá được thứ mình cần qua những video nhỏ, họ sẽ cân nhắc và so sánh những sản phẩm có cùng công dụng giống nhau. Từ đó, tỉ lệ mua hàng ở TikTok đã tăng gấp 1.5 lần so với các nền tảng khác. 

Ứng dụng chia sẻ các đoạn video ngắn đã thúc đẩy ham muốn mua sắm của người tiêu dùng lên hơn 1.5 lần so với các nền tảng khác

Trong một bài đăng của công ty trên trang web đã chia sẻ: “Người tiêu dùng ngày nay hiếm khi tuân theo phễu Marketing truyền thống để mua hàng. Họ thường vào, ra và vào lại ở các giai đoạn khác nhau của hành trình mua hàng dựa trên nhu cầu và mong muốn của họ”. 

Có gì ở hai đối thủ Temu và Shein mà TikTok phải “dè chừng”? 

Thương hiệu Shein đã tận dụng những lợi thế về chuỗi cung ứng sản xuất của Trung Quốc để tung ra hàng trăm mẫu thiết kế giá rẻ mỗi ngày và phân phối hàng hóa trên quy mô toàn cầu một cách nhanh chóng. Lợi dụng “tên tuổi” của TikTok, Shein đã tạo một đòn bẩy để được nhiều người biết đến hơn bằng những điểm mạnh trong kinh doanh đã nêu trên và chiến lược tiếp thị trên mạng xã hội qua những lần hợp tác với những người nổi tiếng.

Họ đã thành công đạt được lợi nhuận kỷ lục chỉ trong nửa đầu năm 2023 và trong các báo cáo gần đây, gã khổng lồ trong ngành thời trang siêu nhanh đã được định giá ở mức 30 tỷ USD.

Addison_Rae_Shein
Shein đã mời những người có tầm ảnh hưởng lớn như Addison Rae để quảng bá thương hiệu

Mức độ cạnh tranh tại thị trường Mỹ đã gay gắt hơn bao giờ hết khi có sự tham gia của Temu – cũng là một nền tảng thương mại điện tử đến từ Trung Quốc. Temu đã tăng cường mở rộng “lãnh thổ” sau khi ra mắt vào tháng 9 năm ngoái và thu được hơn 50 triệu lượt tải xuống. Cho đến nay, nền tảng này đã tăng mức định giá ước tính lên 100 tỷ USD – con số này gấp 3 đối thủ Shein. 

Với nhiều mã giảm giá, Temu đã thành công chinh phục thị trường Mỹ

Những cuộc tranh cãi về nền tảng TikTok tại Mỹ 

Sợ rằng sẽ đe dọa an ninh của quốc gia, các nhà lãnh đạo Mỹ đã xem xét kĩ lưỡng các vấn đề của TikTok và giới hạn hoạt động của ứng dụng này. Một cuộc khảo sát đã diễn ra để tìm hiểu nhu cầu social commerce (tạm dịch: thương mại xã hội, có nghĩa là hình thức thương mại kết hợp giữa Social media (Mạng xã hội – MXH) và E-commerce (Thương mại điện tử) của người Mỹ.

Theo Morning Consult, gần 80% người Mỹ ở độ tuổi trưởng thành không có hứng thú với các buổi livestream bán hàng và trong một nghiên cứu của SimplicityDX năm 2022 đã chỉ ra rằng ¾ người mua sắm thuộc thế hệ gen Z thích mua sắm trên trang web của thương hiệu hơn là trên các nền tảng thương mại điện tử. Qua 2 kết quả trên, ta có thể biết được rằng dường như social commerce không phải là “miếng bánh ngon” cho các doanh nghiệp thương mại điện tử. 

TikTok to clamp down on paid political posts by influencers ahead of US midterms
Tiktok bị cấm ở nhiều bang tại Mỹ bởi vì thuật toán của nền tảng này đã chủ động gợi ý những nội dung độc hại cho những người dùng trẻ

Nhưng sự xuất hiện của TikTok có thể sẽ làm “rung chuyển” thị trường hẩm hiu với 150 triệu người dùng ở Mỹ. Nền tảng này đang cố gắng tích hợp thói quen mua sắm vào cuộc sống hằng ngày để thu hút những người tiêu dùng tiềm năng.

Thực hiện: Mỹ Tâm

Theo Jing Daily 

Đọc thêm: “Những điểm đáng chú ý về thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam 2023”