[Brand to know] Dệt kim Đông Xuân – Già cỗi lỗi thời hay “gừng càng già càng cay”?

Ngày đăng: 09/10/17

Trên thị trường dệt may nội địa, Đông Xuân là cái tên không chỉ “mờ nhạt”, mà đúng hơn là dường như “không có sự tồn tại” đối với người tiêu dùng thời trang. Dù vậy, thương hiệu dệt kim Đông Xuân cần được biết đến là nhà máy dệt kim tròn đầu tiên trong nước, ra đời vào năm 1959 tại Hà Nội và còn duy trì đến tận ngày nay.

Quá nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Đông Xuân hiện nay đã vững vàng về quy mô và sản lượng xuất khẩu, với dây chuyền sản xuất khép kín từ công đoạn dệt, xử lý hoàn tất vải, cắt may và đóng gói. Mặc dù thị phần phân phối nội địa tương đối thấp so với năng lực xuất khẩu ra thị trường quốc tế, thương hiệu này cũng mang lại giá trị hữu dụng cơ bản và tiết kiệm cho người tiêu dùng Việt, cung cấp giá thành nội địa nhưng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng Nhật Bản.

Lịch sử ra đời và mối quan hệ lâu năm với Katakura

Công ty TNHH một thành viên Đông Xuân, với tên giao dịch là Doximex, là doanh nghiệp dệt may có lịch sử lâu đời và còn phát triển đến tận ngày nay. Tiền thân là nhà máy dệt kim Đông Xuân được thành lập từ năm 1959 tại số 67 Ngô Thì Nhậm (Hà Nội).

Buổi đầu thành lập dưới sự viện trợ máy móc từ Trung Quốc, ở giai đoạn cuối 1964 –  1979, nhà máy dệt kim Đông Xuân chủ yếu sản xuất các mặt hàng phục vụ lực lượng vũ trang. Đến năm 1989, sản phẩm vải cotton mang thương hiệu dệt kim Đông Xuân tìm được chỗ đứng trên thị trường Nhật Bản. Ký kết thỏa thuận hợp tác dài hạn 10 năm từ 1989 – 1999 với công ty cổ phần công nghiệp Katakura* (thông qua công ty xuất nhập khẩu hàng dệt Textimex cho đến năm 1993) cùng với sự hỗ trợ giao dịch thương mại và xuất nhập khẩu từ công ty cổ phần Sanshin**. Mối hợp tác thời kỳ đầu này đánh dấu bước ngoặt phát triển ổn định của doanh nghiệp nói riêng và ngành dệt kim xuất khẩu của Việt Nam nói chung.

Đến năm 1996, Đông Xuân cùng 2 đối tác Sanshin và Katakura ký hợp đồng gia hạn thêm 10 năm, tính từ 1999 đến năm 2009. Giai đoạn 10 năm này thúc đẩy quan trọng cho sự phát triển, không ngừng cải thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị với sự hỗ trợ từ các chuyên gia đến từ Nhật Bản.

Doanh nghiệp Đông Xuân tiếp tục khẳng định uy tín và tiềm lực của mình sau 2 thập kỷ, đưa đến một thỏa thuận hợp tác 10 năm lần thứ 3 từ Katakura, bao gồm cả sự hợp tác hỗ trợ bởi Sanshin. Buổi họp ký kết diễn ra vào tháng 7/2009, mối quan hệ Việt – Nhật 3 bên  giữa Đông Xuân – Sanshin – Katakura một lần nữa kéo dài thêm một thập kỷ, chính thức tính từ năm 2009 đến 2019.

* Công ty cổ phần công nghiệp Katakura: thuở sơ khai là xưởng sản xuất lụa Kaito Silk Mill, được thành lập bởi Ichisuke Katakura vào năm 1873 tại làng Kawagishi (nay là Okaya-shi) thuộc tỉnh Nagano. Katakura Silk Spinning Co., Ltd. chính thức được thành lập với tư cách kế nhiệm vào tháng 3/1920 cho đến tháng 11/1943, đổi tên thành Katakura Industries Co., Ltd. Ngày nay, công ty cổ phần công nghiệp Katakura hoạt động kinh doanh vững mạnh trên 4 “trụ cột”: dệt may, dược phẩm, máy móc thiết bị công nghiệp và bất động sản. Đối với lĩnh vực dệt may, bên cạnh truyền thống sản xuất trang phục lót chất liệu lụa, tập đoàn Katakura còn phát triển phong phú các loại hàng may mặc, đa dạng chất liệu và đầy đủ phân khúc từ trẻ nhỏ đến người cao niên. Katakura cũng bao gồm các công ty con hợp nhất đối với ngành dệt may thời trang như: Nitivy Co., Ltd. (sợi chức năng), Ogran Japan Co., Ltd. (đồ lót và trang phục mặc nhà), Kafulas Co., Ltd. (đồ lót định hình vóc dáng).

** Công ty cổ phần Sanshin: có lịch sử thành lập từ năm 1962 tại Nhật Bản, nay trực thuộc tập đoàn Mitsubishi International. Năm 2010, công ty cổ phần Sanshin Việt Nam được thành lập tại Hà Nội. Nội dung hoạt động của công ty bao gồm 3 lĩnh vực: Tổ chức, điều phối chương trình lữ hành quốc tế; Hợp tác sản xuất truyền thông (các chương trình truyền hình, tạp chí, ấn phẩm,… liên kết Việt – Nhật) và Tư vấn, hỗ trợ giao dịch thương mại. Các đối tác chính trong lĩnh vực hỗ trợ giao dịch thương mại của Sanshin Việt Nam có thể kể đến như: Công ty cổ phần Công nghiệp Katakura, Công ty cổ phần Kafulas, Công ty sản xuất Giày Shadow,…

“Gừng càng già càng cay”

Là một doanh nghiệp dệt may có tuổi đời ngót nghét lục tuần và không được biết đến như một thương hiệu thời trang phù hợp thị hiếu của giới trẻ. Tuy nhiên, dệt kim Đông Xuân vẫn có một sự hiện diện phổ biến nhất định trên thị trường phổ thông, phân phối cho khoảng 11 hệ thống siêu thị lớn và hàng trăm đại lý/điểm bán hàng trên toàn quốc, chủ yếu ở khu vực miền Bắc Việt Nam. Sản phẩm dệt kim Đông Xuân dễ dàng đến tay người tiêu dùng mọi tầng lớp với giá cả phải chăng, thuận tiện và thiết yếu với các mặt hàng cơ bản như: áo thun, đồ bộ mặc nhà, trang phục lót nam/nữ, quần áo trẻ em và trẻ sơ sinh.

Bắt đầu từ một nhà máy dệt kim chỉ với 4 phân xưởng và năng suất khoảng 1 triệu sản phẩm/năm. Hiện nay, tổng công ty dệt kim Đông Xuân sở hữu 4 xí nghiệp thành viên; phát triển mạnh mẽ với dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh từ các khâu dệt sợi, xử lý hoàn tất vải, cắt may in thêu, sở hữu chuỗi máy móc thiết bị nhập khẩu từ Châu Âu, dựa trên quy trình chuyển giao công nghệ và kiểm soát chất lượng bởi các kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật Nhật Bản.

Thành tựu phát triển vững vàng qua thời gian của doanh nghiệp Đông Xuân, phần lớn chính nhờ vào mối quan hệ hợp tác lâu dài với các công ty cổ phần thương mại Sanshin và công ty cổ phần công nghiệp Katakura. Một thị trường xuất khẩu ổn định tại Nhật Bản đã tạo điều kiện và động lực để doanh nghiệp nâng cao tay nghề, năng lực sản xuất và kinh nghiệm chuyên môn.

Sau gần 30 năm qua 3 lần ký kết cùng Katakura, sản lượng hàng dệt may Đông Xuân nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản tăng gấp hàng trăm lần so với buổi đầu hợp tác. Hằng năm, sản lượng xuất sang thị trường Nhật Bản chiếm hơn 80% tổng sản phẩm xuất khẩu của Đông Xuân. Các mặt hàng dệt kim mặc lót là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Đông Xuân, thuộc dòng “Topvalue” không thể thiếu tại các siêu thị lớn thuộc chuỗi phân phối của Katakura tại Nhật Bản.

Trong những năm gần đây, khi mà nhiều doanh nghiệp dệt may non trẻ với tuổi đời trên dưới 5 năm liên tục thất bại và phá sản. Một doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc dệt kim “già cỗi” hơn nửa thế kỷ, đối mặt với nhiều biến cố lịch sử, trước sự cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường hội nhập, và cả sự chênh lệch thế hệ người tiêu dùng, vẫn tiếp tục tồn tại, đảm bảo được năng lực cung ứng nội địa và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, bao gồm cả thị trường Âu (Eminense – Pháp), Mỹ (The Children’s Place) và chiếm ưu thế vẫn là Nhật Bản (Katakura, Itochu, Aeon, J-Mart,…).

Định hướng: “Thời trang an toàn cho sức khỏe”

Trên thị trường nội địa, thương hiệu dệt kim Đông Xuân sản xuất hàng may mặc chất lượng và an toàn, phân phối cho chuỗi Showroom chính hãng tại Hà Nội; hệ thống siêu thị Vinatexmart, Co.op mart, Hapro mart, Metro, Ocean mart,…; và đại lý phân phối tại Đà Nẵng, Bắc Giang, Nghệ An,…

Hàng may mặc chất liệu 100% cotton là dòng sản phẩm tiêu biểu của hãng, đảm bảo an toàn cho sức khỏe và thân thiện với môi trường ở một phương diện nhất định. Sợi cotton có đặc tính hút nước cao, thân thiện với da người, không gây ngứa và dị ứng. Trải qua hàng thiên niên kỷ đến nay vẫn được sử dụng như một loại nguyên liệu chính trong ngành dệt may thời trang. Đây cũng chính là loại sợi dệt chủ lực dựng nên uy tín của Đông Xuân hiện nay. 

Tuy nhiên, doanh nghiệp dệt kim Đông Xuân không chỉ sản xuất duy nhất vải sợi cotton. Để đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu, với trang thiết bị tiên tiến, doanh nghiệp cũng sản xuất các loại vải sợi tổng hợp biến tính, có ưu điểm siêu mềm, siêu trắng, siêu thoát nước, giữ ẩm, sát khuẩn, khử mùi, chống tia tử ngoại. Một số dòng sản phẩm của thương hiệu sử dụng kết hợp sợi cotton với các loại vải sợi tổng hợp biến tính như Micro Modal, Tencel, Cool plus, Spandex, Lycra để tăng tính đàn hồi và thoải mái như đồ lót, trang phục mùa đông hay quần áo thể thao. 

Mặc dù người tiêu dùng bản xứ vẫn khá thờ ơ với hàng may mặc trong nước, slogan “Thời trang an toàn cho sức khỏe” của thương hiệu dệt kim Đông Xuân nên được đánh giá là một hướng đi đáng kỳ vọng. Trong tương lai gần, mục tiêu của dệt kim Đông Xuân chính là trở thành doanh nghiêp SPA (Specialty Retailer of Private Label Apparel) tại Việt Nam và đến 2025 xây dựng một nhãn hiệu đồ lót nam cao cấp dẫn đầu thị trường nội địa.

Theo tiêu chí “Thời trang an toàn cho sức khỏe” của Đông Xuân, dựa trên lịch sử phát triển và mối quan hệ đối tác gắn bó với Nhật Bản, cùng với xu hướng sinh thái trong chiều hướng gia tăng sản lượng vải dệt sợi tự nhiên trên toàn thế giới, người tiêu dùng thời trang Việt Nam đủ lý do để mong đợi một thương hiệu dệt may nội địa chú trọng nhiều hơn đối với nhu cầu ăn mặc thiết yếu: an toàn cho sức khỏe, bền vững cho môi sinh.

Bài: Xu