Malai – loại da thuần chay mới được làm từ nước dừa

Ngày đăng: 03/12/21

Malai BioMaterials – một startup Ấn Độ chuyên thiết kế và nghiên cứu vật liệu, vừa “khuấy động” thời trang bền vững với loại da thuần chay mới được làm từ…nước dừa.

Da dừa là một loại vải sinh thái khá mới trong ngành thời trang cũng như một chất liệu thay thế mới cho các loại da được cho là “độc hại” với môi trường hiện nay. Loại da này được Malai – một startup (công ty khởi nghiệp) có trụ sở tại Ấn Độ tạo ra từ cellulose vi khuẩn hữu cơ được nuôi trên chất thải nông nghiệp, nước dừa còn sót lại, và được chuyển hóa thành công thành một hợp chất tổng hợp có chất lượng không kém gì các loại da “chính thống”.

Cụ thể, chính Zuzana Gombosva đến từ Slovakia và Susmith Suseelan đã tạo ra loại da thuần chay này bằng cách thu thập nước dừa từ những người nông dân địa phương hoặc bị bỏ đi tại các nhà máy công nghiệp ở Ấn Độ, sau đó đem chúng khử trùng và biến thành một chất dinh dưỡng hoàn toàn tự nhiên nhằm nuôi cấy vi khuẩn. Sau hai tuần nuôi cấy, lớp “thạch” cellulose được hình thành, nguyên liệu thô này cũng được Gombosva và Suseelan đặt tên là Malai. Cellulose được biết là thành phần chính tạo nên lớp màng tế bào thực vật, giúp cho các mô thực vật có độ bền cơ học, có tính đàn hồi và giúp chúng có thể đứng vững. 

Lớp thạch cellulose sẽ được thu hoạch, đem đi xử lý và tinh chế. Chẳng hạn như được làm giàu thêm bằng các sợi tự nhiên như chuối, cây gai dầu hoặc lá tếch, để tạo đồ bền cũng như tính đàn hồi. Tiếp theo, chúng sẽ được tạo thành những tấm phẳng có kết cấu và độ dày khác nhau. Cuối cùng, Malai được làm khô tự nhiên bằng không khí và làm mềm bằng cách áp dụng cách xử lý kháng nước nhẹ nhàng, quy trình này được thực hiện mà không sử dụng bất kỳ lớp phủ nhựa hay các thành phần tổng hợp khác nào. Gombsova cũng chia sẻ “Quy trình sản xuất của công ty chúng tôi không gây hại cho bất kỳ loài động vật nào. Nó tiêu thụ ít tài nguyên năng lượng hơn và không sử dụng hóa chất độc hại trong bất kỳ giai đoạn nào trong cả quá trình sản xuất.” 

Với thời đại mà thời trang bền vững luôn được quan tâm hơn hết cũng như tư duy và ý thức của các tín đồ và nhà thiết kế thay đổi, các sản phẩm thuần chay, thân thiện với môi trường cũng trở nên phổ biến. Trên màn ảnh rộng, nữ diễn viên Natalie Portman đã lăng xê một tủ quần áo hoàn toàn thuần chay trong bộ phim mới của cô, Vox Lux. Nhà vô địch quần vợt, Serena Williams, đã tung ra một dòng quần áo thuần chay lấy cảm hứng từ những người phụ nữ mạnh mẽ. Các “cuộc cách mạng thuần chay” theo đó cũng được “thực thi hóa” trong thế giới thời trang. Cụ thể, Tuần lễ thời trang thuần chay đầu tiên được tổ chức vào tháng 2 năm 2019. Tại Châu Á, cuộc thi thiết kế thời trang bền vững lớn nhất thế giới, Giải thưởng Redress Design gần đây đã trao cho nhà thiết kế người Úc, Tess Whitfort cho bộ sưu tập đậm chất  Punk được tạo ra từ các chất liệu đã qua sử dụng, vô cùng thân thiện với môi trường. Malai cũng đang tập trung để đẩy mạnh việc hợp tác với các thương hiệu có chung mục đích tạo ra những sản phẩm “xanh” với môi trường, ở châu Âu để phát triển, mở rộng thị trường ngoài nước cũng như trong nước. 

Thực hiện: Huỳnh Trân