Nghệ nhân Sầm Thị Tình: “Những sản phẩm thời trang thủ công mang trong mình cái hồn của người nghệ nhân”

Ngày đăng: 11/07/22

Trong cuộc sống hiện nay, việc gìn giữ những nét đẹp trong văn hoá dân tộc là điều không phải ai cũng làm được. Đặc biệt, văn hoá của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam đang dần không thu hút được sự chú ý đáng có từ công chúng. Tuy nhiên nghệ nhân trẻ Sầm Thị Tình – cô gái người dân tộc Thái đã miệt mài đem những hoa văn thổ cẩm, những kỹ thuật nhuộm và dệt truyền thống của dân tộc mình thành những sản phẩm thời trang thủ công mỹ nghệ đặc sắc và độc đáo đến với cộng đồng trong và ngoài nước.

Hoa Tiến Brocade – hợp tác xã sản xuất vải thổ cẩm và cũng là thương hiệu của gia đình chị Tình – đã góp phần đưa những sản phẩm đặc trưng của dân tộc Thái tại bản Hoa Tiến – một trong những cái nôi dệt thêu thổ cẩm nổi tiếng và lâu đời bậc nhất của người Thái ở tỉnh Nghệ An hơn 100 năm nay – đến gần hơn với cộng đồng, đồng thời quảng bá một nét văn hoá đặc trưng rất riêng của dân tộc thiểu số Việt Nam với đông đảo người dân trong nước nói chung và bạn bè quốc tế nói riêng. 

Style-Republik đã có dịp trao đổi, trò chuyện với chị Sầm Thị Tình về công việc, đam mê và cơ hội mà Hoa Tiến Brocade đem lại cho giá trị quảng bá bản sắc văn hoá dân tộc và cả bà con dân tộc Thái. Đồng thời nhận được những lời khuyên từ chị cho những bạn trẻ đang muốn tận dụng những chất liệu văn hoá của chính dân tộc mình cho quá trình sáng tạo, cũng như đem nét văn hoá độc đáo đó lan toả rộng rãi hơn ở thị trường trong nước và quốc tế.

Nghệ nhân trẻ Sầm Thị Tình – cô gái người dân tộc Thái đã miệt mài đem những hoa văn thổ cẩm, những kỹ thuật nhuộm và dệt truyền thống của dân tộc mình thành những sản phẩm thời trang thủ công mỹ nghệ đặc sắc và độc đáo đến với cộng đồng trong và ngoài nước.

Xin chào chị Tình, chị có thể chia sẻ đôi chút và công việc của bản thân tại Hoa Tiến Brocade?

Tại Hoa Tiến Brocade, mình chịu trách nhiệm chính ở mảng truyền thông, quảng bá sản phẩm như đăng tải các bài viết, hình ảnh về sản phẩm của hợp tác xã lên các trang mạng xã hội. Đồng thời, các khâu khác từ liên hệ với các nghệ nhân và bà con trong bản để sản xuất sản phẩm, mang sản phẩm từ Hoa Tiến, Nghệ An lên Hà Nội bán, cho đến kết nối và quản lý các khách hàng tiềm năng mình cũng đảm nhiệm. Mình cũng kết nối với các nhà thiết kế thời trang bền vững, các kiến trúc sư để ứng dụng những sản phẩm của Hoa Tiến Brocade. Khi có thời gian, mình cũng luôn học hỏi và tìm tòi để ứng dụng thật nhiều các mẫu hoa văn thổ cẩm, hay các kỹ thuật dệt và nhuộm thực vật truyền thống của dân tộc Thái vào các sản phẩm tại Hoa Tiến Brocade. Nhờ đó, các sản phẩm của Hoa Tiến Brocade rất đa dạng, từ túi vải, ví cho đến khăn lụa, giày dép và cả thú nhồi bông, Đặc biệt là từng sản phẩm đều có những nét đặc trưng riêng, không có sản phẩm nào giống nhau 100%.

Ngoài ra, mình vẫn cùng các các bà, các mẹ dệt lụa tơ tằm, nhuộm vải; đồng thời tham gia các sự kiện văn hoá, mở gian hàng tại các hội chợ để Hoa Tiến Brocade ngày càng được biết đến rộng rãi, góp phần đưa những nét đẹp đặc trưng trong văn hoá dân tộc mình tới nhiều người hơn.

Vậy điều gì khiến các sản phẩm của Hoa Tiến Brocade lại có đặc trưng riêng rất độc đáo như vậy?

Tất cả các sản phẩm được bán tại Hoa Tiến Brocade đều được làm thủ công bởi các nghệ nhân, bà con dân tộc Thái trong bản Hoa Tiến, Nghệ An. Từ ươm tơ, xe sợi, dệt lụa, thậm chí nhuộm vải, các công đoạn đều được thực hiện hoàn toàn thủ công.

Đặc biệt, các sản phẩm làm từ vải lụa tơ tằm tại Hoa Tiến Brocade đều được nhuộm thủ công bằng thực vật như lá bàng, củ nâu hay chàm, nên màu lên rất đặc trưng. Đồng thời các hoa văn thêu trên những sản phẩm như túi, ví cũng đều được thêu bằng tay tỉ mỉ, không phải thêu máy. Vì vậy, toàn bộ các sản phẩm tại Hoa Tiến Brocade đều toát lên sự khéo léo, tài hoa từ bàn tay của những nghệ nhân người dân tộc Thái.

Các loại thực vật được sử dụng để nhuộm vải tại Hoa Tiến Brocade

Cơ duyên nào đã dẫn chị đến thổ cẩm và Hoa Tiến Brocade của ngày nay?

Thực ra cái nghề dệt vải thổ cẩm đã có từ xa xưa, và chính dân tộc mình sử dụng loại vải này. Gần đây, mình cảm thấy rất nhiều người đang ngày càng quan tâm hơn về vải thổ cẩm truyền thống, nên gia đình mình đã mở hợp tác xã, đặt các bà con trong bản làm sản phẩm để bán ra thị trường. Nguyên liệu chính của vải thổ cẩm là sợi bông và sợi tơ tằm, rất nhẹ mà sang trọng, bền vững, nên mình muốn thật nhiều người biết đến và sử dụng loại vải chất lượng cao như vậy, mà lại còn giúp đỡ phần nào thu nhập cho bà con trong bản nữa.

Hoa Tiến Brocade được sáng lập năm 2010 bởi mẹ mình là nghệ nhân Sầm Thị Bích, với mong muốn lưu giữ và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của người Thái, đồng thời góp phần tăng thu nhập của những người phụ nữ nơi đây. Tiếp nối nghề của mẹ, mình đã mở studio dệt thêu và nhuộm màu tự nhiên và showroom sản phẩm tại Hà Nội để quảng bá sâu rộng hơn nghề thổ cẩm truyền thống của địa phương mình.

Một góc nhỏ trong showroom của Hoa Tiến Brocade

Chị chia sẻ rằng mình đang kế thừa gia nghiệp của mẹ, vậy mẹ đã truyền cho chị niềm yêu nghề đó như thế nào?

Thú thực là ngày trước khi mới ra trường, mình cũng không theo nghề dệt thổ cẩm rồi kế nghiệp hợp tác xã từ mẹ đâu mà làm các công việc ở lĩnh vực khác. Nhưng mình luôn cảm thấy trống trải, không tìm thấy được hứng thú trong những công việc đó. Rồi mình quyết định quay lại bản làm nghề giống mẹ, và nó đã trở thành đam mê lớn nhất của mình.

Đối với người phụ nữ Thái, khi lớn lên ai cũng cần phải biết dệt vải, thêu và trồng bông nuôi tằm. Bản thân mình từ khi còn bé đã được mẹ truyền dạy cho nghề nhuộm và dệt vải, thêu chân váy, chăn màn.

Đối với người phụ nữ Thái, khi lớn lên ai cũng cần phải biết dệt vải, thêu và trồng bông nuôi tằm. Bản thân mình từ khi còn bé đã được mẹ truyền dạy cho nghề nhuộm và dệt vải, thêu chân váy, chăn màn. Trước hết là phải thuần thục các công việc này để phục vụ cho chính bản thân, sau này lớn lên là chuẩn bị đồ đạc để khi lấy chồng, những món đồ thổ cẩm ấy sẽ là món quà để mang về nhà chồng, tặng ông bà, cha mẹ anh chị em trong nhà chồng. Mẹ chính là người đã cầm tay chỉ dạy cho mình từng đừng kim mũi chỉ, dạy các kỹ thuật để tạo nên những hoa văn đặc sắc của dân tộc mình, và cũng là người đã truyền cảm hứng cho mình để phát triển nghề dệt của bà con cho đến bây giờ.

Hiện tại, Hoa Tiến Brocade đang phát triển như thế nào?

Ngày trước, do chưa có nhiều được sự chú ý nên Hoa Tiến Brocade mới chỉ là hợp tác xã nhỏ. Hiện tại, Hoa Tiến đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các khách hàng cả trong và ngoài nước, và đặc biệt là giới trẻ. Ngoài showroom cửa hàng tại Hà Nội, mình còn phát triển thêm các kênh bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, website và kênh thương mại điện tử nước ngoài. Mình cũng đang ngày ngày học hỏi thêm để phát triển tối đa tiềm năng quảng bá cho Hoa Tiến Brocade trên mạng xã hội. Nhờ chăm chỉ đăng tải bài viết và hình ảnh hàng ngày, đồng thời thường xuyên nghiên cứu sáng tạo các sản phẩm mới, cách nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tìm kiếm đầu ra tiêu thụ mà hiện tại Hoa Tiến Brocade đang có lượng khách hàng khá ổn định. Ngoài ra mình cũng có được rất nhiều sự ủng hộ từ các khách hàng nước ngoài. Hoa Tiến Brocade đã ra đời hơn 10 năm, nên mình vẫn luôn kiên trì, phát triển tuy chậm mà chắc chắn. 

Nghệ nhân Sầm Thị Tình và một vị khách quốc tế

Chẳc hẳn điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã khi còn trẻ quả thực sẽ khó khăn, hơn nữa chị còn là một người phụ nữ dân tộc thiểu số. Chị đã gặp phải những khó khăn gì khi quản lý Hoa Tiến Brocade và vượt qua như thế nào?

Thời gian đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về kinh doanh, công thêm vốn ngoại ngữ còn yếu, mình gặp rất nhiều khó khăn:  đầu ra cho sản phẩm không ổn định, tài chính có hạn, thiếu nguồn lực lao động có đủ kỹ năng và tay nghê tốt, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều… Vì đây là những sản phẩm chưa được biết tới rộng rãi, nên nhiều khi mình giới thiệu, quảng cáo sản phẩm, khách hàng còn không biết vì sao những sản phẩm thủ công, hay hoa văn thổ cẩm trên sản phẩm lại đặc biệt đến vậy. Trong qua trình kinh doanh thì chắc chắn không thể tránh khỏi những bước đi khó khăn, khiến mình nhiều lần chán nản. Tuy nhiên với niềm đam mê với nghề, mình đã cố gắng tìm cách giải quyết để khắc phục dần. Mình cố gắng học hỏi thật nhiều để nâng cao vốn hiểu biết và trình độ của bản, tìm kiếm thêm nguồn nhân lực tại bản, thường xuyên nghĩ thêm các sáng tạo mới cho sản phẩm, cũng như tích cực mở rộng mối quan hệ để tham gia các sự kiện, hội chợ văn hoá nhằm khiến cho càng nhiều người biết tới Hoa Tiến Brocade.

Theo chị, trên thị trường thời trang hiện nay, các sản phẩm thủ công đóng vai trò ra sao? 

Các sản phẩm thủ công hiện nay đóng vai trò rất quan trọng cho việc lưu giữ, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa của các dân tộc, đặc biệt là dân tộc thiểu số. Nó thể hiện được tay nghề cao của những người nghệ nhân, mồ hôi và công sức của họ trong từng sản phẩm được làm rất tỉ mỉ, cầu kỳ. Đồng thời, những sản phẩm thủ công không được sản xuất đại trà, do nó cần phải có thời gian dài mới có thể hoàn thành, nên chúng mang giá trị rất đặc biệt.

Cá nhân mình cho rằng thổ cẩm cần được các nhà thiết kế thời trang ứng dụng nhiều hơn, có thể vào những bộ trang phục thường ngày. Mọi người cũng nên trân trọng những sản phẩm thủ công hơn để lan toả những giá trị văn hoá của hoa văn thổ cẩm nói chung và thủ công nói riêng, đồng thời ủng hộ công sức của các bà con dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Vậy các sản phẩm thời trang thủ công có ý nghĩa gì với thời trang bền vững?

Thời trang bền vững ngoài có thể sử dụng được lâu dài, nó còn góp phần giải quyết những vấn đề toàn cầu: về môi trường, về khí hậu, xu hướng tiêu dùng, giảm thiểu tối đa rác thải thời trang xả ra môi trường. Trong nhiều thế kỷ, các sản phẩm thời trang thủ công đã tận dụng được các truyền thống đặc trưng của từng dân tộc, vùng đất và các kỹ năng tương ứng, được lưu truyền từ nhiều thế hệ nghệ nhân. Vì vậy, ngoài các giá trị về văn hoá, chúng còn có chất lượng cực kỳ bền vững, do khâu sản xuất đều thực hiện bằng tay dựa trên các kỹ thuật được lưu truyền từ nhiều thế hệ. Đặc biệt, tất cả các nguyên liệu đều được lấy từ thiên nhiên, thực vật, kể cả màu nhuộm, nên chúng không hề gây hại cho môi trường. Đây cũng chính là mục tiêu và bản chất của thời trang bền vững.

Vì các sản phẩm thời trang nhanh có giá thành rẻ, liên tục được sản xuất để bắt kịp mọi xu hướng, nên chúng không hề có giá trị về mặt cảm xúc hay văn hoá nào. Thời trang bền vững thì khác. Chúng không chạy theo xu hướng, mà vẫn luôn thật đẹp ở mọi thời điểm mà chúng được mặc lên. Những sản phẩm thời trang thủ công mang trong mình cái hồn của người nghệ nhân, câu chuyện văn hoá mà người nghệ nhân đó muốn kể thông qua sản phẩm đó. Từng đường kim mũi chỉ, chúng toát lên tinh hoa, tỉ mỉ của người làm. Và thật tuyệt là những sản phẩm thủ công này sẽ có thể tồn tại mãi về sau như một dấu ấn nho nhỏ về sự tài hoa của bàn tay con người.

Chị đã chia sẻ nhiều về giá trị văn hoá của thổ cẩm và những sản phẩm thời trang thủ công. Vậy các nhà thiết kế thời trang nên làm việc như thế nào với các nghệ nhân để giữ được tinh thần văn hoá bản sắc dân tộc trong thiết kế?

Các nhà thiết kế thời trang nên đồng hành cùng với các nghệ nhân để tạo nên những sản phẩm độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa. Ngoài ra, họ cũng nên tìm hiểu về những đặc trưng văn hoá của từng miền đất, dân tộc để biết được những cái gì hay, cái gì phù hợp, từ đó áp dụng vào sáng tạo và thiết kế. Những nhà thiết kế thời trang cần giữ cho mình tinh thần cởi mở, sẵn sàng đón nhận những kiến thức, đặc trưng về văn hoá của các nghệ nhân, đặc biệt là các hoa văn và các kỹ thuật. Những người nghệ nhân rất cần các nhà thiết kế lan tỏa rộng rãi văn hoá đặc trưng qua những bộ trang phục thời trang hiện đại nhưng vẫn có những điểm nhấn văn hoá của họ.

Một lưu ý nhỏ là khi sử dụng bất kỳ chất liệu văn hoá nào vào thiết kế, hãy tôn trọng nền văn hoá đó. Không nên làm chúng trở nên biến dạng, hay quá hiện đại, đổi mới mà mất đi cái hồn của người nghệ nhân và nền văn hoá đó.

Khi sử dụng bất kỳ chất liệu văn hoá nào vào thiết kế, hãy tôn trọng nền văn hoá đó. Không nên làm chúng trở nên biến dạng, hay quá hiện đại, đổi mới mà mất đi cái hồn của người nghệ nhân và nền văn hoá đó.

Một buổi workshop tìm hiểu nhuộm vải tự nhiên từ Hoa Tiến Brocade

Chị có lời khuyên nào cho những bạn trẻ đang trong quá trình tìm hiểu để quảng bá những chất liệu văn hoá của quê hương, dân tộc trong kinh doanh không?

Mình chỉ muốn khuyên rằng các bạn hãy tiếp tục vững tin trên con đường này, luôn tận dụng mọi cơ hội để học hỏi về văn hoá của dân tộc, quê hương mình. Tìm hiểu về những ý nghĩa đặc trưng trong văn hoá, để cảm thấy yêu thêm người đồng bào mình. Kiên trì theo đuổi đam mê, và bạn sẽ đạt được những gì mình mong muốn. Mình cũng rất hy vọng rằng câu chuyện của mình và Hoa Tiến Brocade sẽ góp phần nào truyền cảm hứng cho các bạn trẻ đi theo con đường giống như mình.

Xin cảm ơn chị về những chia sẻ rất chân thành vừa rồi. Chúc chị luôn nhiều sức khoẻ, thành công đưa Hoa Tiến Brocade vươn xa hơn trong tương lai!

Thực hiện: Lexi Han