Virtual Beauty: Khi công nghệ định hình lại khái niệm làm đẹp

Ngày đăng: 07/08/23

Làm đẹp nhờ công nghệ 4.0? Tại sao không?

Trong thời đại số hóa và công nghệ dường như đã “làm chủ cuộc chơi”, Virtual Beauty – làm đẹp ảo đã trở thành một khái niệm mới đột phá trong ngành công nghiệp làm đẹp. Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), Virtual Beauty mở ra một thế giới mới với nhiều cơ hội sáng tạo và trải nghiệm độc đáo. Điều này đã thay đổi cách mà chúng ta tiếp cận và tận hưởng việc làm đẹp, định hình lại khái niệm vẻ đẹp và tạo ra những xu hướng mới chưa từng có trước đây.

Một trong những ứng dụng quan trọng nhất của Virtual Beauty là trong lĩnh vực trang điểm. Với sự kết hợp của trí tuệ nhân tạo và AR, người dùng có thể thử nghiệm các kiểu trang điểm cũng như màu mắt, môi, má hồng trên gương mặt thật của họ giống như một dạng filter sử dụng trong các apps chụp ảnh thông qua điện thoại di động hoặc máy tính. Việc đó giúp ta dễ dàng lựa chọn phong cách trang điểm phù hợp một cách dễ dàng và tiện lợi. Ngoài ra, làm đẹp ảo cũng giúp khách hàng có cái nhìn tổng quát trước về sản phẩm trước khi quyết định mua hàng, từ đó tăng cường trải nghiệm mua sắm trực tuyến. Dành cho ai đã từng mua hàng một cách “blind buy” và không thành công thì đây có vẻ là cánh tay đắc lực đáng mong đợi cho bạn sắp tới!

Không chỉ giới hạn ở trang điểm, Virtual Beauty còn mở ra nhiều cơ hội cho việc thử các loại sản phẩm chăm sóc da và tóc. Các ứng dụng AR cho phép người dùng thấy được hiệu ứng và kết quả sau khi sử dụng các sản phẩm skincare và haircare như kem dưỡng da, mặt nạ hoặc màu nhuộm tóc.

Trải nghiệm trước sản phẩm cộng đồng beauty lovers phần nào dễ dàng hơn trong việc đưa ra lựa chọn và quyết định về những sản phẩm phù hợp với nhu cầu và mong muốn của mình, đồng thời giảm thiểu rủi ro và tiết kiệm thời gian hơn. 

Thêm vào đó, việc xây dựng được hệ thống làm đẹp ảo trên các nền tảng trực tuyến của mình sẽ khiến các thương hiệu quảng bá và nâng cấp hình ảnh một cách chuyên nghiệp hơn. Các công ty và thương hiệu có thể tận dụng công nghệ AR/VR để tạo ra các trải nghiệm tương tác độc đáo cho khách hàng. Chẳng hạn, có thể tổ chức các sự kiện trưng bày sản phẩm ảo, cho phép khách hàng thử nghiệm và trải nghiệm sản phẩm mà không cần tới cửa hàng. 

Hiện nay, đã có rất nhiều thương hiệu quốc tế áp dụng hệ thống virtual cho lĩnh vực beauty như Dior, Gucci, Chanel, L’Oreal, Maybelline,…điều này không những giúp tăng cường sự tương tác và tiếp cận với đối tượng khách hàng mà còn tạo ra tính thú vị và ấn tượng cho thương hiệu.

Tuy nhiên, Virtual Beauty cũng phải đối mặt với vấn đề tính chính xác của kỹ thuật. Dù có nhiều cải tiến nhưng hệ thống làm đẹp ảo vẫn chưa thể hoàn toàn tái tạo một cách chính xác và chi tiết mọi đặc điểm trên gương mặt thật mọi lúc của người dùng. Điều này có thể dẫn đến việc sai lệch trong thử nghiệm và trải nghiệm sản phẩm làm đẹp. Thế nhưng với rất nhiều sự nỗ lực chỉnh sửa và hoàn thiện của đội ngũ thiết kế, đây vẫn là một xu hướng xứng đáng được mong đợi và phát triển hơn nữa nhằm thuận tiện và đơn giản hóa quá trình mua sắm cho cộng đồng.

Thực hiện: Gia Uyên