Hà Lan tiên phong trong lĩnh vực kết hợp công nghệ cùng yếu tố bền vững

Ngày đăng: 12/02/21

Bốn sáng tạo công nghệ thời trang nổi bật tại Amsterdam – Hà Lan trong năm 2020 là gì? Amsterdam (thuộc Hà Lan) hiện là một trong những tụ điểm của giới start-up về công nghệ và bền vững trên thế giới. Danh tiếng hiện tại của thành phố này đã thu hút rất nhiều những dự án thú vị và nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Dĩ nhiên, thời trang cũng là một trong những lĩnh vực được chú trọng phát triển tại đây.

Vào năm ngoái, Hà Lan là quốc gia khuyến khích các công ty khởi nghiệp thúc đẩy phát minh thời trang cả về khía cạnh công nghệ và tính bền vững; chẳng hạn như thiết kế kỹ thuật số 3D, sợi dệt được thiết kế sinh học và các kỹ thuật sản xuất mới. Với triết lý cốt lõi là tính bền vững, quốc gia này đang giúp thời trang tái cấu tạo lại các mô hình kinh doanh của mình.

Marike Geertsma, quản lý cấp cao chịu trách nhiệm về ngành thời trang và sáng tạo tại cơ quan đầu tư nước ngoài của Amsterdam cho biết: “Hệ sinh thái thời trang của chúng tôi bao gồm tất cả các khía cạnh của tính bền vững, chuyển đổi kỹ thuật số, đổi mới và công nghệ đột phá.”

Một trong số những doanh nhân theo đuổi sự tân tiến của thời đại mới là Pauline van Dongen, một nhà thiết kế thời trang có trụ sở tại Arnhem. Cô chuyên về công nghệ có thể đeo được (wearable tech), chẳng hạn như trang phục thể thao biểu diễn và áo sơ mi có tác dụng chỉnh sửa tư thế. “Tôi thuộc tuýp người tò mò và tôi muốn khám phá nhiều thứ mà tôi có thể bắt tay vào làm,” cô nói. “Không chỉ về mặt công nghệ mà còn về các loại hàng may mặc, dù là dệt kim hay dệt thoi”.

Dưới đây là bốn sáng tạo công nghệ thời trang nổi bật tại Amsterdam – Hà Lan

The Fabricant: Nhà sáng tạo thời trang kỹ thuật số

The Fabricant là một hãng thời trang kỹ thuật số thiết kế những bộ quần áo không bao giờ được sản xuất thành sản phẩm thực tế. Lấy sứ mệnh hoạt động là điểm nơi giao thoa giữa thời trang và công nghệ, The Fabricant tạo ra tiền đề cho việc mở rộng biên độ sáng tạo cho các doanh nghiệp thời trang.

Công ty có trụ sở tại Amsterdam – Hà Lan, đã dẫn đầu thử nghiệm trong một lĩnh vực mới: quần áo kỹ thuật số. Ứng dụng các công cụ thiết kế kỹ thuật số được sử dụng trong ngành trò chơi điện tử và các hiệu ứng đặc biệt trong phim, những “nhà mốt” kỹ thuật số này đã trở thành nguồn lực cần thiết cho các doanh nghiệp thời trang muốn khám phá tiềm năng thương mại của thế giới ảo.

Một thiết kế kỹ thuật số của The Fabricant. Amsterdam - Hà Lan
Một thiết kế kỹ thuật số của The Fabricant

Kerry Murphy, người có kinh nghiệm trong lĩnh vực điện ảnh, đã thành lập The Fabricant vào năm 2018 cùng với nhà thiết kế kỹ thuật số Amber Jae Slooten. Họ đã hợp tác với những thương hiệu nổi danh như Rag & Bone, Off-White và Bathing Ape. Vào năm 2019, The Fabricant đã bán một mẫu thiết kế thời trang kỹ thuật số mang tên “Iridescence” với mức giá 9.500 đô la thông qua đấu giá.

“Giá trị thực của 3D là nó cho phép chúng tôi sáng tạo hơn và sáng tạo ra những thứ mà chúng tôi chưa từng thể nghiệm đây, giống như chúng tôi sáng tạo ra một ngôn ngữ thẩm mỹ mới vậy; đây là một phương cách mới mẻ để thể hiện sự sáng tạo có thể liên kết được tới những khán giả trẻ, có hiểu biết và thích nghi với kỹ thuật số”, Murphy giải thích.

Living Colour: Ý tưởng nhuộm mới

Doanh nghiệp mang tên Living Color đã tìm ra giải pháp thủ công để giải quyết vấn đề dệt/ nhuộm vải gây ô nhiễm môi trường. Phương cách do họ phát minh nhuộm vải bằng cách cung cấp cho vi khuẩn một chất dinh dưỡng để tạo ra màu sắc có thể sử dụng được trên hầu hết các loại sợi, tránh các hóa chất độc hại, sử dụng ít nước và ít năng lượng hơn, đồng thời có thể được sử dụng trên các vật liệu bao gồm vải tổng hợp, vải tự nhiên và chất liệu da.

Các mẫu vải nhuộm bằng vi khuẩn của Living Colour. Amsterdam - Hà Lan
Các mẫu vải nhuộm bằng vi khuẩn của Living Colour

Living Colour được thành lập vào năm 2016 bởi Laura Luchtman và Ilfa Siebenhaar. “Thiết kế với các vi khuẩn đòi hỏi một phương cách tiếp cận khác biệt. Chúng tôi phải trân trọng tài nguyên và chất liệu có được, khi làm việc với những vi sinh vật sống như thế,” Luchtman chia sẻ cùng tờ Vogue Business. “Chúng tôi cộng tác với sinh vật và học hỏi từ sinh vật. Nó cũng đòi hỏi sự hợp tác liên ngành. Studio thiết kế của chúng tôi cũng đồng thời là phòng thí nghiệm vi sinh vật, nơi chúng tôi hợp tác với các nhà vi sinh vật học và nhà hóa học cho công việc nghiên cứu và ứng dụng”.

Living Colour được sáng lập bởi Laura Luchtman và Ilfa Siebenhaar.
Living Colour được sáng lập bởi Laura Luchtman và Ilfa Siebenhaar

Quy trình nhuộm của công ty khởi nghiệp này tại Amsterdam – Hà Lan đã thu hút sự chú ý của hãng thời trang thể thao Puma. Có được cơ hội để hợp tác với Puma, Living Color đã thiết kế và tạo ra một viên nang nhuộm quần áo thể thao bằng vi khuẩn. Bộ sưu tập gồm sáu thiết kế trong BST “Design to Fade” được ra mắt vào tháng Sáu năm ngoái được tạo ra bởi Living Colour, cùng với sự cộng tác của studio Thụy Điển Streamateria.

MycoTex: Kiến tạo thời trang từ nấm

Thiết kế sinh học sử dụng rễ nấm đang phát triển thành một ý tưởng đột phá cho sự đổi mới trong phát triển dệt may. MycoTex, một dự án của Hà Lan do Aniela Hoitink thành lập, đã tạo ra một công nghệ để tạo ra các sản phẩm phù hợp, theo yêu cầu từ loại vải dệt từ rễ nấm. Quá trình này có chi phí thấp, ít chất thải và có thể phân hủy, giúp cho ý tưởng này giành chiến thắng Giải thưởng “Thay đổi Toàn cầu” vào năm 2018.

Công đoạn thí nghiệm và thành phẩm làm ra của MycoTex.
Công đoạn thí nghiệm và thành phẩm làm ra của MycoTex

Người sáng lập ra MycoTex – Aniela Hoitink là một nhà thiết kế dệt may có nền tảng trong lĩnh vực thời trang, bao gồm thời gian làm việc tại Tommy Hilfiger và Gaastra. Hiện cô tập trung hoàn toàn vào việc phát triển các ý tưởng công nghệ sinh học thành các mẫu thiết kế có tiềm năng thương mại trên thị trường.

Hiện tại, MycoTex đang nghiên cứu cách mở rộng quy mô công nghệ sản xuất và tìm cách phát triển một bộ sưu tập túi xách ứng dụng và thử nghiệm nó trên thị trường.

New Industrial Order: Sản xuất hàng dệt kim 3D

New Industrial Order (N.I.O.) là một tập thể với các phòng thí nghiệm, nơi các nhà thiết kế, nghệ sĩ và các doanh nhân thời trang có thể phát triển một hệ thống cung ứng sản phẩm thời trang được xây dựng dựa trên nhu cầu của khách hàng. Các sản phẩm luôn được đặt trước trước khi sản xuất; đồng nghĩa với việc họ sẽ chỉ bán các mặt hàng đã được thanh toán trước, và hạn chế tối đa tình trạng hàng tồn kho.

N.I.O. nổi danh với kỹ thuật dệt kim 3D, tạo ra quần áo không cần phải may thủ công và có khả năng tạo ra các sản phẩm có 1-0-2. Với quy mô lớn, thông qua máy dệt kim 3D hiện đại, N.I.O. hoàn toàn có tiềm năng để tạo ra một hệ thống “thời trang xoay vòng”; nhờ vào cấu trúc liền mạch, hàng dệt kim 3D có thể được tháo ra và sợi của nó có thể được tái chế dễ dàng.

Một mẫu thiết kế dệt kim 3D của N.I.O.
Một mẫu thiết kế dệt kim 3D của N.I.O

Ban đầu, đồng sáng lập Rosanne van der Meer nghĩ rằng các sản phẩm áo len được phát triển bằng công nghệ 3D trông khác với đồ dệt kim thông thường, và sẽ làm giảm đi khả năng thương mại của chúng. Nhưng cô nhận ra rằng kỹ thuật dệt kim 3D lại có khả năng tạo ra sản phẩm độc đáo, dễ để nhận biết và cô đã phát triển ý tưởng này thành bộ sưu tập mang tên “The Girl and The Machine” cho thương hiệu của mình.

Van der Meer cùng Annelie Ansingh đồng thành lập nên New Industrial Order. Doanh nghiệp hiện tại đang phát triển một hệ thống liên tục cho ra mắt các bộ sưu tập quy chuẩn với các mẫu mã đan công nghiệp (mẫu đan 3D), cho phép các nhà thiết kế và thương hiệu dựa vào đó để tạo ra phong cách đặc trưng cho riêng họ.

Bài viết được chuyển ngữ từ trang Vogue Business

Thực hiện: Fellini Rose